xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NÂNG TẦM XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG (*):Định hướng rõ ràng, giải pháp cụ thể

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã và đang góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra khắp thế giới

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong năm 2023, công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ. Tính cả năm, số lao động ra nước ngoài làm việc khoảng 155.000 người (đạt 129% so với kế hoạch, tăng 8,55% so với năm 2022) - mức cao nhất từ trước đến nay.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc hiện nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó có Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, nhất là lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn. Đồng thời là cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian tới, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được đẩy mạnh theo hướng ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước chưa ký hiệp định, thỏa thuận hợp tác lao động; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đưa đi và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ; nâng cao chất lượng các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chuẩn bị nguồn, đào tạo, nâng cao chất lượng và phát triển nhân lực, góp phần phát triển và mở rộng thị trường, đồng thời có quy hoạch, định hướng thị trường lao động phù hợp với quy mô và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Học viên của ESUHAI Group được đào tạo định hướng tương lai trước khi ra nước ngoài làm việc

Học viên của ESUHAI Group được đào tạo định hướng tương lai trước khi ra nước ngoài làm việc

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để thực hiện các định hướng nêu trên cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chính sách, chương trình, trong đó phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm điều chỉnh bao quát các nhóm đối tượng lao động, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đặc thù.

Hỗ trợ người lao động khởi nghiệp

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, nhất là các thị trường có mức thu nhập, điều kiện lao động tốt, thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ gia tăng đáng kể. 

"Riêng năm 2023, việc đàm phán, ký kết và triển khai các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, các cuộc họp và chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao có liên quan hợp tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp... được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Cũng trong năm nay, lần đầu tiên "Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản" được tổ chức thành công với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính" - ông Liêm cho hay.

Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Nhật Bản vào trung tuần tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Koizumi Ryuji để thúc đẩy giải quyết "nút thắt" kỳ thi kỹ năng đặc định. Nỗ lực của Bộ trưởng đã có kết quả khi lãnh đạo hai nước thống nhất sẽ tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định ngay tại Việt Nam vào đầu năm 2024.

"Nút thắt" này được tháo gỡ sẽ mở ra cơ hội cho hàng ngàn lao động Việt Nam khi Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong những năm gần đây. Chuyến đi này Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Nhật Bản mở rộng ngành nghề tiếp nhận. Một bước đột phá nữa trong hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài trong thời gian tới là hỗ trợ chi phí cho những hộ khó khăn. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam sẽ bỏ kinh phí để tất cả NLĐ ở các huyện nghèo chọn đi Nhật hoặc đi bất cứ quốc gia nào cũng được miễn hoàn toàn từ kinh phí đào tạo, dạy ngoại ngữ, thủ tục xuất cảnh tới tạo điều kiện việc làm khi về nước.

Tại sự kiện "Ngày lao động Việt Nam 2023" được tổ chức ở Hàn Quốc mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài đi vào chiều sâu, thực chất giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Hàn Quốc. 

Thời gian qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển sâu rộng trên nhiều phương diện ở lĩnh vực lao động. Con số hơn 250.000 người Việt đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc và khoảng 200.000 người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam đã thể hiện rõ điều đó. Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan động viên NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc tận dụng chính sách mới của nước này về đào tạo dành cho lao động EPS để học tập, nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động tại Hàn Quốc. 

"Bộ LĐ-TB-XH sẵn sàng hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước, phát huy kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được tại Hàn Quốc nhằm phát triển sự nghiệp, góp phần xây dựng đất nước" - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói với đông đảo NLĐ Việt Nam tại sự kiện. 

Quảng Nam: Đạt 147,8% kế hoạch năm 2023

Theo số liệu thống kê đến ngày 22-12-2023, tỉnh Quảng Nam có 1.773 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 147,8% kế hoạch năm (lao động nữ chiếm tỉ lệ 44%). Trong đó, có 1.760 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 13 lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản có 1.395 lao động (78,7%), còn lại ở các thị trường: Lào, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ả Rập Saudi...

Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, cho biết phần lớn NLĐ Quảng Nam đều được chủ sử dụng lao động đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại. Nhờ đó, thu nhập, đời sống của NLĐ và gia đình được cải thiện; sau khi hoàn thành hợp đồng về nước sẽ là nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh.

Báo Người Lao Động tôn vinh đơn vị xuất khẩu lao động tiêu biểu

Sáng nay, 27-12, tại Hội trường lầu 2 - cao ốc 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước"; lễ vinh danh "Đơn vị xuất khẩu lao động tiêu biểu năm 2023"; phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động".

Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, lãnh đạo nhiều sở LĐ-TB-XH tỉnh, thành và đông đảo doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo