xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ "nước mắm nhiễm asen": Xử phạt 50 cơ quan báo chí

Bảo Trân

Báo Thanh Niên bị Bộ Thông tin và Truyền thông phạt 200 triệu đồng do thông tin sai sự thật về việc nước mắm nhiễm asen vượt ngưỡng, gây phương hại đến lợi ích quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa công bố kết quả xử lý vi phạm đối với 50 cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng quy định.

44.000 bài viết thông tin sai

Theo Bộ TT-TT, trên cơ sở khảo sát độc lập bằng cách thu mua 106 mẫu nước mắm thành phẩm bày bán trên thị trường gửi đi xét nghiệm, ngày 12-10, Báo Thanh Niên đăng bài “Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín”, đưa ra nhận định nước mắm có nồng độ đạm càng cao thì khả năng tỉ lệ nhiễm thạch tín càng cao và công bố kết quả: “80/106 mẫu vượt ngưỡng thạch tín”.

Nhiều hãng sản xuất nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng sau khi có thông tin sai sự thật Ảnh: QUANG LIÊM
Nhiều hãng sản xuất nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng sau khi có thông tin sai sự thật Ảnh: QUANG LIÊM

Chiều 17-10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu được sản xuất tại các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và 1 mẫu của Thái Lan. VINASTAS kết luận “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”, đưa ra kết luận: 101/150 mẫu khảo sát không đạt quy định theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Bộ TT-TT khẳng định: Kết quả công bố của Báo Thanh Niên cũng như VINASTAS là mập mờ, không giải thích giữa 2 loại asen hữu cơ và asen vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại. Đặc biệt, nhấn mạnh các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. Trong khi đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm được ban hành theo Thông tư số 02/2011 của Bộ Y tế chỉ quy định giới hạn đối với asen vô cơ, còn asen hữu cơ không quy định giới hạn.

Từ kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên và VINASTAS, nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt đăng tải thông tin sai sự thật, được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ bài viết; trên mạng xã hội loan truyền thông tin lo ngại về sức khỏe cộng đồng khi dùng nước mắm truyền thống. Danh sách 67 loại nước mắm vượt ngưỡng asen được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội bởi các nghệ sĩ, diễn viên, người dùng.

Từ ngày 12 đến 23-10, truyền thông xã hội có trên 44.000 bài viết, 95.000 lượt chia sẻ, 108.000 thảo luận, trên 63.000 bình luận. “Đỉnh điểm là ngày 18-10, sau khi VINASTAS công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu, trên mạng xã hội có trên 42.275 thảo luận” - Bộ TT-TT nêu rõ.

50 cơ quan báo chí đã cho đăng gần 560 tin, bài (170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật từ Báo Thanh Niên và VINASTAS; 390 tin, bài thông tin kết quả công bố từ Bộ Y tế và các cơ quan chức năng).

Sẽ xem xét xử lý các cá nhân

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét nội dung thông tin trên báo chí, Bộ TT-TT đã phối hợp với Bộ Công an đánh giá mức độ sai phạm trong thông tin của 50 cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, phân làm 3 loại. Đó là: cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia; cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng; cơ quan báo chí thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến ngày 14-11, Bộ TT-TT đã xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan báo chí vi phạm. Cụ thể, Báo Thanh Niên là cơ quan báo chí có bằng chứng nhận hỗ trợ quảng cáo, chuẩn bị tuyến bài, nội dung thông tin để thông tin có chủ đích; đã tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và công bố kết quả không chính xác, đồng thời đã tổ chức thông tin trên báo chí gồm 6 bài có nội dung thông tin sai sự thật đặc biệt nghiêm trọng. Báo Thanh Niên đã chủ động gỡ bỏ các bài viết trên báo điện tử và thực hiện cải chính, xin lỗi. Để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về một số cá nhân lãnh đạo cơ quan báo chí và các ban, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tờ báo.

Do thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia theo Nghị định số 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Báo Thanh Niên bị phạt 200 triệu đồng. Đây là mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các ban, nhà báo, phóng viên của Báo Thanh Niên có liên quan đến sai phạm, khi có kết quả xử lý kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ TT-TT sẽ xem xét xử lý các cá nhân theo quy định của Luật Báo chí.

Nhóm 2 gồm 8 cơ quan báo chí bám sát sự kiện, đăng tải kết quả công bố của cả Báo Thanh Niên và VINASTAS, đã thông tin sai sự thật, có gỡ bài nhưng đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính chưa thực hiện cải chính, xin lỗi. Theo đó, Báo điện tử Người tiêu dùng bị phạt 50 triệu đồng; 6 cơ quan khác chịu mức phạt 45 triệu đồng/cơ quan gồm: Báo điện tử Hà Nội mới, Báo điện tử Đại đoàn kết, Báo điện tử Người đưa tin, Báo điện tử Dân Việt, Báo điện tử Dân sinh, Báo điện tử Infonet. Tạp chí điện tử Thực phẩm chức năng bị phạt 40 triệu đồng.

Nhóm 3 có 41 cơ quan báo chí chỉ đăng thông tin về 1 kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên hoặc VINASTAS, đã thông tin theo kết quả công bố sai sự thật, có gỡ bài nhưng đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính chưa thực hiện cải chính, xin lỗi. Các báo này có mức phạt từ 10-15 triệu đồng.

Ngoài mức xử phạt hành chính bằng tiền kể trên, các cơ quan báo chí thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định pháp luật. Đối với cá nhân thì khi có kết quả xử lý kỷ luật của các cơ quan chủ quản, Bộ TT-TT sẽ xem xét xử lý các cá nhân theo quy định của Luật Báo chí.

Chưa công bố đơn vị tài trợ

Trước đó, Bộ Công Thương ngày 8-11 đã công bố thông tin về kết quả kiểm tra hoạt động của VINASTAS trong việc thông tin khảo sát nước mắm. Theo đó, việc khảo sát nước mắm của VINASTAS không bảo đảm tính độc lập, tin cậy và minh bạch. Hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài nên không bảo đảm tính độc lập. Đoàn kiểm tra cũng nhấn mạnh việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của VINASTAS có dấu hiệu vi phạm quy định tại Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng không thể chỉ cải chính hay xin lỗi là xong. “Căn cứ trên kết quả kiểm tra, các bộ quản lý việc này phải có ý kiến. Theo đó, trách nhiệm của VINASTAS trong việc này là đến đâu? Nếu như tìm ra đơn vị tài trợ thì có chứng minh được có động cơ nào không bởi nếu nhà tài trợ có mục đích tốt thì chẳng có vấn đề gì cả” - bà Lan nói. Còn chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần nêu tên cơ quan tài trợ một cách công khai. Cơ quan tài trợ phải là cơ quan độc lập, một tổ chức xã hội nhằm mục đích khoa học để bảo đảm công bằng, khách quan. Còn cơ quan tài trợ nếu là doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nước mắm, thì hành vi tài trợ đó, kết quả công bố đó là có vấn đề.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo