xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cổ phần hóa: Ôm đất xài ngông !

Kim Long – Bình Minh

Một số doanh nghiệp ở TPHCM sau khi cổ phần hóa được Nhà nước giao rất nhiều nhà, đất song chỉ biết đem cho thuê lại để lấy tiền chênh lệch hoặc bỏ hoang, thậm chí dùng... gán nợ!

Thừa hưởng quyền thuê đất công khi còn là doanh nghiệp (DN) Nhà nước, sau khi cổ phần hóa (CPH), Công ty CP Cơ khí xây dựng công trình 623 (Meco 623) tiếp tục sử dụng không hiệu quả, bỏ đất trống nhưng lại san lấp trái phép một phần hành lang kênh rạch. Đáng lo ngại hơn, khu đất này đã bị âm thầm chuyển nhượng cho đơn vị tư nhân khác.


Chuyển nhượng đất công trái phép


Năm 1989, UBND TPHCM cấp phép cho Nhà máy Cơ khí giao thông 623 sử dụng trong 5 năm khu đất 12.385 m2 ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức để làm bến bãi trung chuyển vật tư.

Sau khi hết hạn sử dụng, nhà máy tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất và đổi tên thành Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623. Đến năm 2004, đơn vị này CPH thành Meco 623 và vẫn được kế thừa quyền thuê khu đất công này.

Theo hợp đồng thuê đất ngày 29-9-2005, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã điều tiết diện tích, chỉ cho Meco 623 thuê 11.561 m2 đất (loại trừ phần kênh rạch làm bến bãi) để làm xưởng cơ khí, nhà kho, bãi chứa vật liệu với giá 2.300 đồng/m2/năm.


Ngày 7-11-2008, Meco 623 ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Xây dựng giao thông Bình An thi công cải tạo mặt bằng khu đất với giá trị hơn 5,6 tỉ đồng.

Mãi đến ngày 15-12-2008, khi thanh  tra xây dựng quận lập biên bản hiện trạng việc thi công không phép, đơn vị này mới có văn bản gửi Sở GTVT TPHCM về việc đóng cọc bờ kè ven kênh, thậm chí cũng không thông báo cho cơ quan quản lý khu đất công này là Sở Tài nguyên - Môi trường TP.

Theo biên bản, Meco 623 đã xây dựng bờ kè vi phạm chỉ giới đường đỏ; sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, bỏ trống, san lấp mặt bằng trái phép (khoảng 5.000 m2).

Từ đó, UBND quận Thủ Đức đã ra quyết định xử phạt hành chính 6,4 triệu đồng và buộc Meco 623 khôi phục hiện trạng đất ban đầu, đồng thời đề xuất UBND TP thu hồi khu đất này.

img
Khu  đất 11.561 m2 tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức của Meco 623 xây dựng san lấp trái phép,
chưa kể có dấu hiệu gán nợ cho đơn vị khác. Ảnh: K. Long


Tuy nhiên, chuyện đáng nói hơn là Meco 623 bị tố cáo vì âm thầm chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất công này cho Công ty CP Phúc Long để mở rộng làm cảng Trường Thọ trước đó gần 1 năm. Theo đó, Meco 623 kinh doanh không hiệu quả, nợ nần chồng chất.

Tháng 1-2008, Meco 623 được Công ty CP Phúc Long đứng ra mua lại khoản nợ 106,8 tỉ đồng tại ngân hàng. Ngoài ra, Phúc Long còn ký quỹ 29 tỉ đồng bảo lãnh cho Meco 623 thi công cầu Thuận Phước; hỗ trợ mua một khu đất mới tương đương 15 tỉ đồng; cho vay thêm 5 tỉ đồng không tính lãi để di dời nhà xưởng.


Vì sao Meco 623 thoát nợ hơn 100 tỉ đồng một cách ngoạn mục và vì sao Phúc Long hào phóng như vậy? Theo biên bản thỏa thuận ngày 24-4-2008, Phúc Long đề nghị mở rộng cảng Trường Thọ, trong đó có khu đất công gần 12.000 m2 mà Meco 623 đang thuê sử dụng. Meco 623 đã đồng ý di dời để bàn giao mặt bằng này sau 30 ngày.

Thực chất, có thể xem đây là vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất công trái phép có nguy cơ gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước.  Hiện Thanh tra TPHCM đang làm rõ các vấn đề sai phạm tại đây.


Mở cửa mời... “thôn tính” mặt bằng!


Một chiêu được nhiều DN CPH áp dụng là nâng vốn điều lệ để giảm dần số lượng cổ phần của Nhà nước nắm giữ, qua đó mở cửa cho các đối tác vào “thôn tính” các mặt bằng giá trị.

Theo tài liệu chúng tôi có được, hiện một đại gia trong ngành tài chính ngân hàng đã sử dụng rất thành công chiêu đầu tư vào các DN Nhà nước mà sau khi CPH có mặt bằng rất đẹp. Qua đó, chỉ cần làm chủ sở hữu trên 50% giá trị cổ phần của DN CPH, đại gia vừa nêu xem như được sử dụng mặt bằng “ngàn vàng” với giá cực rẻ.


Mới đây, đại gia này đã cho mở một chi nhánh ở đường Nguyễn Tri Phương trên mặt bằng mà ai cũng biết trước đây thuộc về tài sản của một DN Nhà nước được giao CPH.

Một DN hoạt động cùng lãnh vực ngân hàng thắc mắc: “Để mua một căn nhà diện tích cỡ 100 m2 ở gần đó, chúng tôi cần phải chi hơn 1.200 lượng vàng, còn thuê diện tích 200 m2 thì mất cỡ 45 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, đại gia này có ngay một mặt bằng 4 tầng với khuôn viên đất gần 400 m2 để kinh doanh với mức giá thuê Nhà nước quá rẻ”.

 

Kỳ tới: Không cho thuê thì bỏ hoang


Tài sản doanh nghiệp teo tóp


Như Báo NLĐ đã thông tin, Công ty CP Phát triển đô thị Bình Minh (nay là Công ty CP Đầu tư Miền Nam) đã biến đất công viên thành biệt thự để bán, thậm chí bán luôn trụ sở văn phòng dù nó được xây trên đất thuê.

Mới đây, lãnh đạo mới của Công ty CP Đầu tư Miền Nam đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng TPHCM phản ánh việc Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Minh, vào cuối năm 2006 đã tự ý ký nhiều văn bản đem một dự án lớn của công ty đi liên doanh với các đối tác để thành lập Công ty CP Tư vấn Đầu tư - Xây dựng Gia Lộc.

Văn bản nêu trên khẳng định: “Chủ tịch HĐQT Công  ty Bình Minh đã giả mạo giấy tờ để đem dự án đi “biếu” cho cá nhân, công ty khác”.


Ngoạn mục nhất có lẽ là chiêu nâng vốn điều lệ của Công ty Gia Lộc, sau 3 lần “tuyên bố” của HĐQT đã tăng lên 80 tỉ đồng. Con số này làm cho vốn của Công ty Bình Minh từ 50% ban đầu “teo” lại còn chưa đầy 10% trong dự án.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo