Rồng trong huân chương, kim tiền tặng thưởng

(NLĐO) - Rồng là con vật linh thiêng trong tiềm thức người châu Á, là hình ảnh đại diện cho hoàng gia, cho vương mệnh.

Thời Nguyễn, rồng được đưa vào những vật phẩm ban tặng của triều đình, từ những chiếc kim khánh, những đồng tiền Phi Long bằng vàng, bạc hay huân chương "Long Tinh" được ban hành thời vua Đồng Khánh.

Hình ảnh rồng trên những chiếc

Hình ảnh rồng trên những chiếc "Đại Nam Long Tinh" của triều Nguyễn

Điển hình như danh tướng Phạm Ngũ Lão, người được các sử gia đánh giá "có võ công đệ nhị" ở thời Trần, chỉ đứng sau Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, đã được vua Trần ban thưởng lần lượt từ vân phù, hổ phù, quy phù, ngư phù… sau mỗi chiến công. Sử sách thời Trần, Lê chưa ghi nhận những vật phẩm ban tặng của triều đình có hình rồng.

Từ khánh hình rồng đến tiền Phi Long

Xếp đầu tiên trong các loại vật phẩm ban tặng của triều Nguyễn là những chiếc ngọc khánh, kim khánh dành để ban tặng, ân thưởng cho những bề tôi có công hoặc vào những dịp đặc biệt. 

Những chiếc khánh được chế tác bằng ngọc quý, hoặc đúc bằng bàng, cũng đều thể hiện rõ hình "lưỡng long triều nhật". Phía dưới ngọc khánh, kim khánh có đính các hạt trân châu, mã não kết thành nhiều chuỗi cạnh nhau, tăng thêm vẻ mỹ quan.

Rồng trên kim khánh triều Nguyễn

Rồng trên kim khánh triều Nguyễn

Kim khánh được ban hành bắt đầu từ thời vua Gia Long và đến thời vua Khải Định vẫn tiếp tục được chế tác, mỗi triều đại đúc kim khánh mang những chữ theo niên hiệu nhà vua, hoặc những dòng chữ mang ý nghĩa ghi nhớ công lao, như "Báo nghĩa thù huân", "Sinh thiện thượng công", "Lao năng khả tưởng"… Bên cạnh các kim khánh đúc hình rồng, triều Nguyễn còn đúc loại kim khánh đúc hình chim phượng để tặng cho các bà, các cô.

Thời Nguyễn, có thể thấy hình rồng được xuất hiện đầu tiên trong những đồng tiền dành để ban thưởng từ thời vua Minh Mạng, mang tên tiền Phi Long đúc bằng vàng và bạc (kim tiền và ngân tiền), có hình rồng bay.

Sử chép: "Có cụ già đã 100 tuổi, vua sai quan kinh doãn đỡ đến trước mặt vua để hỏi han, rồi ban cho 1 chi nhân sâm, 1 đồng tiền vàng Phi Long nhỏ, có 3 người không dự tiệc rượu cũng cho mỗi người 1 đồng tiền vàng Phi Long nhỏ. Lại sai dẫn 5 người ngoài 90 tuổi vào sân, cho mỗi người 1 đồng tiền vàng Phi Long nhỏ và 1 tấm lụa đỏ. Ngoài ra đều cho mỗi người một tấm lụa đỏ. Những người 80 tuổi trở lên cho mỗi người 1 lạng bạc. Hai ngày 27 và 29 cho những người 70 tuổi trở lên dự tiệc rượu, sai Lễ bộ đường quan chia nhau đi khoản đãi, cho mỗi người 1 tấm vải màu".

Theo chính sử triều Nguyễn, bộ "Đại Nam thực lục", đồng tiền Phi Long để ban thưởng lần đầu tiên được đề cập đến trong lễ Tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi) của vua Minh Mạng, diễn ra vào tháng 4 nhuận (âm lịch) năm Minh Mạng thứ 11 (1830). 

Cụ thể, sau ngày khánh tiết, vua sai vời kỳ lão ba huyện thuộc phủ Quảng Đức (phủ có kinh thành Phú Xuân) từ 70 tuổi trở lên được dự tiệc rượu ba ngày. Ngày 25 tháng 4 cho kỳ lão 80 tuổi trở lên uống rượu, vua sai hoàng tử chia nhau đi khoản đãi.

Đúc tiền Phi Long thế nào?
Hình rồng trên đồng tiền thưởng Phi Long ngân tiền thời vua Minh Mạng

Hình rồng trên đồng tiền thưởng Phi Long ngân tiền thời vua Minh Mạng

Tuy nhiên, việc đúc tiền Phi Long chỉ được "Đại Nam thực lục" chép lần đầu tiên vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Cụ thể như sau: "Đúc kim tiền và ngân tiền "Phi Long" thời Minh Mạng. Kim tiền vàng tổng cộng 1.000 đồng, mỗi đồng nặng 3 đồng cân, dùng vàng 7-8 tuổi, ngân tiền 20.000 đồng, mỗi đồng nặng 7 đồng cân, dùng bạc 7 phần. 

Vua sai Vũ khố chọn đất ở cục đúc tiền, sắc cho quan chưởng ấn ở Hộ bộ, Công bộ và Nội vụ phủ cứ ngày chẵn, luân phiên nhau đến trường sở, coi thợ làm. Định lệ trừ hao: vàng 10 lạng, trừ hao 6 phân; bạc 10 lạng trừ hao 7 phân, sau đó đổi là 1 đồng cân. Khuyên răn thợ và người làm việc, nếu ai dám bớt xén, giả mạo hoặc pha trộn lẫn thì bị xử tử".

Hiện các bảo tàng, nhà đấu giá đang trưng bày những đồng tiền thưởng Phi Long bằng vàng và bạc đúc thời vua Minh Mạng. Vành ngoài mỗi đồng tiền có vòng họa tiết, một mặt đồng tiền đúc nổi 4 chữ "Minh Mạng thông bảo" ở bốn góc, ở giữa có mặt trời tỏa ra tia sáng. Mặt kia hình một rồng vươn đầu lên, thể hiện đầy đủ râu, vây, đuôi, đủ bốn chân, mỗi chân 5 móng (theo quy định thời phong kiến, chỉ vua mới được dùng các hình ảnh có rồng 5 móng).

Về giá trị của những đồng tiền thưởng này, tháng 10 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), bộ Hộ triều Nguyễn có bản tâu lên nhà vua quy cách định giá của đồng kim tiền, ngân tiền Phi Long lớn và nhỏ như sau: Ngân tiền hạng lớn, 1 đồng nặng trên dưới 7 đồng cân đến 7 đồng cân 5 phân, trị giá là 2 quan tiền; hạng nhỏ, 1 đồng nặng trên dưới 3 đồng cân đến 3 đồng cân 5 phân, trị giá 1 quan. 

Kim tiền hạng lớn, 1 đồng nặng trên dưới 7 đồng cân ăn 30 đồng ngân tiền hạng lớn, và ăn 60 đồng ngân tiền hạng nhỏ. Kim tiền hạng nhỏ, 1 đồng nặng trên dưới 3 đồng cân, ăn 15 đồng ngân tiền hạng lớn và ăn 30 đồng ngân tiền hạng nhỏ. Triều đình bắt buộc dân gian nếu dùng kim tiền, ngân tiền mua bán phải theo giá ấy, nếu ai giảm giá trị sẽ bị trị tội.

Thời vua Thiệu Trị, sau chuyến Bắc tuần trở về năm 1842, sử chép nhà vua ban thưởng cho các hoàng tử, đại thần theo hầu các vật phẩm khác nhau, trong đó có kim tiền Song Long hạng lớn và hạng trung. Hiện bảo tàng cũng lưu trữ những đồng ngân tiền thời vua Thiệu Trị. Khác với ngân tiền thời vua Minh Mạng, ngân tiền "Thiệu Trị thông bảo" đục lỗ vuông ở giữa, và đúc nổi hình hai con rồng đang bay lên, chầu hình mặt trời ở phía trên.

Đến những chiếc "Long tinh"

Thời vua Đồng Khánh mới lên ngôi, năm 1886, thực dân Pháp đã áp đặt chế độ bảo hộ lên triều đình nhà Nguyễn. Do đó, triều Nguyễn bắt chước nước Pháp, cũng đặt ra các "huân chương bội tinh", trên huân chương đúc hình rồng.

Sách "Đồng Khánh, Khải Định chính yếu" viết về sự kiện này, diễn ra mùa xuân năm 1886: "Bấy giờ quan quyền Khâm sứ có gửi thư tới nói rằng, về việc thưởng tặng cho các quan quý quốc (tức quan Pháp), các nước thường coi huân chương bội tinh bằng vàng bạc là thứ cao quý, khi được ban thưởng để đeo lên ngực, ý của quan Đô thống đại thần là muốn nước ta cũng làm theo như thế cho hợp với tình cảm và phong tục. 

Viện Cơ mật căn cứ lời đề nghị đó, nghĩ bàn về kiểu cách của huân chương bội tinh và giấy khâm văn (tờ giấy chứng nhận thưởng huân chương). Viện thần bàn rằng lời đề nghị của quý đô thống là thỏa đáng, duy chỉ có điều là phần chính của huân chương hình tròn thì ta nguyên vẫn làm thành hình vuông, rất khác biệt với các nước khác, vì vậy xin đổi thành hình bầu dục. Về phẩm cấp có cao có thấp, công trạng có lớn có nhỏ, nên phân biệt ra hạng văn hạng võ, mỗi hạng lại phân biệt ra thành năm đẳng khác nhau (mô phỏng theo 5 hạng của huân chương "Bắc đẩu bội tinh" của nước Pháp).

Hình rồng đôi trên đồng tiền thưởng Song Long ngân tiền thời vua Thiệu Trị.

Hình rồng đôi trên đồng tiền thưởng Song Long ngân tiền thời vua Thiệu Trị.

Sau đó triều đình ấn định các loại "Long tinh" dành tặng cho quan có công lao về ngành văn, hạng Nhất là "Không kỳ long tinh", hạng Nhì là "Chương hiến long tinh", hạng Ba là "Biểu đức long tinh", hạng tư là "Minh nghĩa long tinh", hạng Năm là "Gia thiện long tinh".

Về võ, hạng Nhất là "Trác dị long tinh", hạng Nhì là "Thù huân long tinh", hạng Ba là "Tinh năng long tinh", hạng Tư là "Tường trung long tinh", hạng Năm là "Khuyến công long tinh".

Bộ "Đại Nam thực lục" chép chi tiết nghị định ban hành những chiếc "Long tinh" thời vua Đồng Khánh: "Long tinh bội nước Đại Nam, giống hình sao, có 8 cánh toả sáng. Trên hình sao, khắc kiểu mũ hoàng đế. Trên mũ ấy, trang sức hình rồng sắc xanh, có chân cắm ở trên mũ, làm chỗ đeo ngọc. Trong lòng hình bầu dục, khảm bằng men xanh và khắc nổi bốn chữ: "Đồng Khánh hoàng đế" (theo thể chữ Triện). Chỗ không ở bốn bên, khắc nổi hình Mặt trời và mây, như mẫu tiền tinh văn kim ngân tiền đều làm bằng vàng. Xung quanh mé ngoài hình bầu dục thì khảm một đường men màu đỏ; mé trong, mé ngoài đường men ấy, viền bằng 2 sợi chỉ vàng".

Điều khoản sau đó của nghị định này cũng cho biết Long tinh hạng năm làm bằng bạc. Các hạng bốn, ba, nhì, nhất làm bằng vàng. Về 2 hạng bốn, năm thì đường kính rộng 4 phân Tây (centimet), hạng ba, đường kính 6 phân. Mỗi hạng huân chương này có cuống đeo hay dải băng màu sắc khác nhau để phân biệt.

Rồng trong huân chương, kim tiền tặng thưởng- Ảnh 5.

Về kiểu mẫu giấy khâm cấp, mặt trên vẽ rồng, khắc 4 chữ "Đồng Khánh hoàng đế", dòng dưới khắc ngang 5 chữ "Đại Nam Long tinh viện"; hai bên trái, phải vẽ các loại nghi trượng nước ta; mặt dưới vẽ hình bội tinh; trong lòng bên trái viết: "Thừa Thiên hưng vận, hoàng đế chế viết" sau đó chi tiết các thông tin: "Cấp cho viên quan họ tên là, có lòng với trẫm và giúp ích cho nước nhà, nên đặc ơn thưởng cho long tinh hạng nào, để tỏ ban khen đặc biệt, ngươi phải kính cẩn tuân theo". Kế tiếp là hàng viết về địa điểm: "Tại Đại Nam quốc đô thành mỗ điện", rồi dòng viết niên hiệu (thời vua… năm thứ… tháng, ngày); cuối cùng là dòng chữ "cung duyệt, Lễ bộ Thượng thư ký".

Các loại Huân chương Đại Nam Long tinh được triều Nguyễn phát tặng cho cả người Việt và người nước ngoài đến tận lúc vị vua cuối cùng là Bảo Đại thoái vị cuối tháng 8-1945, bàn giao chính quyền nước cho chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Rồng trong huân chương, kim tiền tặng thưởng- Ảnh 6.