xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đồng khô cỏ cháy

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Hàng ngàn hecta rừng trên tất cả các ngọn núi ở Bảy Núi - An Giang đều nằm trong nguy cơ cháy ở mức báo động cao, còn người dân đang đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất vì mùa khô gay gắt

Mùa mưa dứt sớm, khô hạn đến nhanh và mực nước ở các con sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn tỉnh An Giang đều sụt giảm khiến các ngành chức năng lo lắng về một mùa hạn “bà chằng” lại đến.

Đáng sợ nhất là các cánh rừng trên vùng Bảy Núi chỉ cần gặp một tàn thuốc là thành đại họa bởi cả vùng đang nằm trong tình trạng thiếu nước.

img

Núi Phú Cường, nơi có nguy cơ cháy cao nhất vùng Bảy Núi, không còn lấy một chiếc lá màu xanh


Thiếu nước trồng trọt, sinh hoạt


Tại hầu hết các xã miền núi hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang, tình trạng nắng gay gắt đã diễn ra hơn một tháng qua.

Dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ nối liền hai huyện là những cánh đồng ruộng (ruộng cặp chân núi của người Khmer, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa và vụ màu - PV) trơ gốc rạ cháy vàng. Mặt đất nứt nẻ, các con mương, rãnh nước đều cạn khô, trơ đáy.

Hạn hán đến nhanh và gay gắt khắp vùng Bảy Núi đến nỗi cỏ cũng bị cháy khô, không sống nổi. Phần lớn diện tích đất ruộng trên cũng không thể xuống giống vì không có lấy một giọt mưa.

Dưới cái nắng như đổ lửa, trên cánh đồng Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, đàn bò gặm những gốc rạ khô còn sót lại.


Nước ngầm Bảy Núi cạn nhanh


Theo kinh nghiệm của người dân Bảy Núi, cao điểm mùa khô thường bắt đầu vào đầu tháng 2 âm lịch. Khi đó, hầu hết các mạch nước ngầm toàn vùng Bảy Núi đều bị đứt chân, khô cạn nên các nhà máy nước không thể hoạt động. Lúc này, người dân chỉ còn biết bám vào các giếng thiên nhiên trên núi, dưới triền để sống, với lượng người đến lấy nước rất đông, từ sáng sớm, thậm chí túc trực, xếp hàng từ đêm khuya. Vậy mà có khi đến lượt, họ chỉ vét được vài can nước đục ngầu. “Năm nay, nắng gắt đến nhanh, nước ngầm ở Bảy Núi có thể sẽ cạn đi nhanh chóng” - một người dân nhận định.

Tại các giếng nước lộ thiên lúc nào cũng có đông đảo người dân túc trực chờ lấy nước.

Nhiều hộ dân các ấp sâu trong triền núi, phum, sóc đã phải mua nước sinh hoạt.

Dẫn chúng tôi đi quanh vườn xoài, bưởi dưới chân núi Cấm thuộc ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, ông Sáu Nhã chỉ tay về phía hai hồ chứa nước tưới vườn nhà ông mới đầu mùa khô mà đã xuống gần mực nước chết.
 
“Các con suối, lòng lạch đã cạn hết nước cả tháng qua, người dân bắt đầu khốn khó vì nguồn nước khan hiếm. Năm nay, nhà vườn Bảy Núi chắc chắn sẽ điêu đứng vì gặp hạn gay gắt” - ông Nhã nói, giọng lo âu.

Bà Tư Bảnh, ở đồi 4, núi Phú Cường, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, cho biết hằng ngày phải xuống đồng bằng mua nước về sử dụng. “Cả ngọn núi không còn lấy một chiếc lá màu xanh. Gần tháng nay, dãy núi này đã chuyển sang một màu vàng cháy, xám xịt” - bà Bảnh nói.


Nguy cơ cháy rừng
lơ lửng


Mặc dù còn nửa tháng nữa (đầu tháng 2 âm lịch - PV) mới đến cao điểm mùa khô nhưng hơn 13.000 ha rừng trên toàn vùng Bảy Núi đã đặt trong tình trạng báo động. Nguy cơ cháy cực kỳ nguy hiểm: cấp 5.

Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tịnh Biên, cho biết phần lớn diện tích rừng trong vùng đều trên các đồi núi nên thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước. Và khi có hỏa hoạn xảy ra, công tác chữa cháy còn khó khăn gấp bội.
 
“Chúng tôi chú trọng công tác tuần tra, phòng cháy hơn là chữa cháy. Lực lượng kiểm lâm luôn túc trực 24/24 giờ ở tất cả các điểm nóng, khu vực có nguy cơ cháy cao” - ông Công nói.


Tuy thời gian qua, ngành kiểm lâm tỉnh đã nỗ lực rất nhiều trong công tác trồng, bảo vệ và PCCC rừng nhưng “giặc lửa” vẫn là nỗi ám ảnh với những người làm nhiệm vụ giữ rừng. Cuộc chiến lấy sức người “chống” lại với thiên nhiên bao giờ cũng khốc liệt và không cân sức.

Theo cảnh báo của ngành kiểm lâm, có đến 65% tổng diện tích rừng Bảy Núi đang thuộc diện nguy cơ cháy cao và 100% các đồi, núi được đặt trong tình trạng báo động. Qua thị sát, chúng tôi không khỏi hốt hoảng khi nhiều khu vực đồi núi đều đã ngả một màu vàng úa, cây cối khô trụi lá.
 
Ba khu vực nóng nhất vùng là núi Phú Cường, ở xã An Nông, đồi Kako; núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên và núi Dài ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn.

Men theo những con đường lên núi Phú Cường, không khí vô cùng oi bức. Trên đầu nắng nóng như đổ lửa, như thiêu đốt thịt da; cây cối rụng hết lá. Dưới đất, lớp lớp lá rụng dày trên những lối đi. Chúng tôi nghe rõ từng tiếng lá gãy giòn đều theo mỗi bước chân. Bà Tư Bảnh bảo chỉ cần một tàn thuốc vô tình rớt xuống là cả cánh rừng, ngọn núi này chìm trong biển lửa.

 

Kỳ tới: Nước mặn uy hiếp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo