xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cứu lấy di sản!

Yến Anh - Việt Thanh

Nhiều di sản của VN, đặc biệt là di sản văn hóa thế giới, đang đứng trước bài toán nan giải về bảo tồn

Tháng 3-2010, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO. Điều này đồng nghĩa với việc những tấm bia tiến sĩ tại đây sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt và tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị.
 
img
 

Nhiều di vật của Hoàng thành Thăng Long nằm ngổn ngang ngoài trời. Ảnh: VŨ MINH TRÍ

 
Di vật tự tiêu hủy
 
Tuy nhiên, theo TS Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khi Văn Miếu trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thì một hiện tượng văn hóa mới cũng xuất hiện: Trong các kỳ thi, học sinh - sinh viên thường đến đây xoa đầu rùa cầu may. Bị xoa quá nhiều khiến đầu rùa nhẵn bóng và giải pháp bảo vệ bia - rùa trở nên cấp thiết.
 
Trong khi chờ giải pháp bảo vệ, hiện ban quản lý di tích này phải huy động lực lượng bảo vệ thường xuyên túc trực giám sát dù biết rằng không thể ngăn tất cả du khách muốn xoa đầu rùa, nhất là các thí sinh vào mỗi mùa thi đại học.
 

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) chứa nhiều thông tin phong phú về các lĩnh vực: Lịch  sử Phật giáo, tư tưởng văn hóa hành đạo - nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, y học, văn học…nhưng có dấu hiệu mục, sứt, nhiễm nấm mốc.

Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long như thế nào cũng là vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học. Là khu di sản có bề dày lịch sử hơn 1.000 năm liên tục với các tầng văn hóa chồng xếp lên nhau, nhiều di vật của hoàng thành đang nằm dưới lòng đất sâu 2-4 m trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, ẩm ướt về mùa hè, khô hanh về mùa đông - một môi trường rất thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển.
 
Rất nhiều di vật đang chịu sự tác động về thay đổi môi trường. Có di vật hàng ngàn năm nằm sâu dưới lòng đất với độ ẩm rất cao, không tiếp xúc với không khí, nay đưa ra khỏi lòng đất nên đang tự tiêu hủy.
 
Đến Hoàng thành Thăng Long những ngày này, nhiều người hẳn chạnh lòng khi thấy hàng triệu di vật như: gạch, ngói, chân tảng đá... nằm ngổn ngang ngoài trời.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu Di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, cho biết các di tích, di vật ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có nguồn gốc từ các chất liệu khác nhau, như: xương, đá, gốm, sứ, gạch, ngói, gỗ, kim loại, di tồn thực vật...; mỗi loại lại cần có chế độ và quy trình bảo quản riêng nhưng thiết bị chuyên dùng của ta chưa đáp ứng được.
 
Để bảo tồn di sản quan trọng bậc nhất Hà Nội này, trung tâm đã tiến hành một số biện pháp cấp thiết ở khu di tích đã phát lộ bằng việc làm nhà mái che tạm các hố khai quật, bảo quản trong kho tạm một số di vật đã lấy lên được.
 
Khu vực có nhà mái che đã được chống nấm mốc, nước mưa, nước ngầm thường xuyên; một phần được che đậy để giữ độ ẩm cần thiết khi thời tiết nóng khô. Viện Khảo cổ học cũng đã lấp cát một số khu vực khai quật còn lại. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng nhiều di vật và di tích vẫn trong tình trạng nguy cơ tiêu hủy cao.
 

img

 
Các sĩ tử xoa đầu rùa trước mùa thi. Ảnh: YẾN ANH
 
“Bảo vật” mục, sứt
 
Nằm ở ngã ba sông Lục Nam và sông Thương thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng - Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm (tên Nôm là Đức La) do Tam tổ Trúc Lâm (Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa Tôn giả và Huyền Quang Lý Đạo Tái) xây dựng. Vĩnh Nghiêm là nơi đào luyện tăng đồ từ cuối thế kỷ XIII, đến nay vẫn giữ vai trò chốn tổ.
 
Ngoài công trình kiến trúc độc đáo, chùa này còn lưu giữ một trong những di sản văn hóa đặc biệt quý giá: kho mộc bản kinh Phật do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm cho san khắc.
 
Kho mộc bản này có 3.050 bản lẻ, gồm: kinh, sách, luật giới, trước tác nhà Phật của Tam tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được san khắc nhiều đợt từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Theo ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang, kho mộc bản này có thể coi là “bảo vật”. 
 
Tuy quý hiếm với tuổi thọ lên đến 300 năm nhưng kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm ít được biết tới. Nhiều mộc bản đã có dấu hiệu mục, sứt và nhiễm nấm mốc dù Bảo tàng Bắc Giang đã phối hợp với chùa Vĩnh Nghiêm nghiên cứu cách bảo quản bằng phương pháp cổ truyền là xếp trên giá gỗ lim, chân giá có chậu bằng đá chứa dầu lạc...
 
Hiện Bảo tàng Bắc Giang đã kiểm kê, phân loại kho mộc bản và nỗ lực tìm kiếm, khai thác những kỹ thuật bảo quản tiên tiến, hiện đại.
 
Bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang, cho biết bộ mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm được đề nghị công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới và đã vượt qua vòng một thẩm định của UNESCO.
 
Trong tháng 11-2010, tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với UNESCO tại VN, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Trung ương Hội Phật giáo VN tổ chức hội thảo khoa học về các giá trị văn hóa - lịch sử của tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ và mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm trong quá trình phát triển Phật giáo VN.
 

Kỳ tới: Loay hoay tìm cách bảo tồn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo