xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biến đất hoang thành trang trại

Bài và ảnh: LƯƠNG PHÚC

Mồ côi cha mẹ, sống lăn lóc bụi đời rồi vào nương nhờ cửa Phật mãi đến 35 tuổi mới vào đời lập nghiệp, với đôi tay cần cù chăm chỉ, chị Phan Thị Vân đã biến vùng đất rừng hoang hóa thành trang trại nuôi cá, trồng cây đạt hiệu quả kinh tế bậc nhất ở Bến Tre

Người phụ nữ ấy là chị Ba Vân (Phan Thị Vân), ngụ tại xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại - Bến Tre. Mô hình kinh tế trang trại của chị tại khu cống đập Ba Lai (giáp ranh hai huyện Ba Tri và Bình Đại) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đem lại cho chị lợi nhuận cả tỉ đồng mỗi năm.


Đi lên từ gian khó


Chị Ba Vân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Giồng Trôm - Bến Tre. Mẹ mất sớm, khi lên 8 tuổi, cha phải gởi chị cho người dì nuôi dưỡng để đi bộ đội. Rồi cha chị hy sinh, chị cũng rời nhà người dì rày đây mai đó.

“Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày cơ cực, phải lăn lóc sống bụi đời ở bến xe này đến bến xe khác. Nói chuyện với người ta, tôi  không dám nhìn thẳng mặt. Đi tới đâu cũng bị người ta khi dễ vì mình nghèo khó lại không còn cha mẹ. Cuối cùng, tôi phải vào cửa Phật nương nhờ” - chị Ba Vân tâm sự.

img
Chị Ba Vân lái xe tải chở thức ăn cho cá


Mãi đến năm 35 tuổi, chị Ba Vân mới hoàn tục, bắt đầu cuộc lập nghiệp đầy gian lao ở vùng quê Bình Đại, đầu tiên là với những gánh đồ chay bán dạo. Nhờ tính tình hiền hậu, việc buôn bán của chị ngày một thuận lợi. Có chút vốn liếng, chị thuê sạp bán đồ chay tại chợ, rồi mua được nhà mở tiệm quy mô hơn.

Năm 2000, khi công trình cống đập Ba Lai đang đầu tư xây dựng, chị Vân nhận định nơi này có thể trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản được. Thế là chị gom góp vốn liếng dành dụm được, bán miếng đất ở Bình Đại và vay ngân hàng để đầu tư mua miếng đất gần 4 ha cặp sông Ba Lai với ước mơ trồng cây, nuôi cá.

Lúc đó, cả vùng đất xung quanh cống đập Ba Lai đều là rừng lứt, chà là, bần... bỏ hoang. Chị Ba Vân phải từng bước cải tạo, rồi đào ao nuôi cá, lên liếp trồng cây ăn trái. Lúc đầu, chẳng có chút kinh nghiệm gì về nuôi cá nhưng nhờ ham thích, chị bắt tay làm cho bằng được.

Năm đầu tiên, chị nuôi cá rô nhưng không hiểu sao đến mùa vụ, kêu thương lái lại bán thì kéo lên toàn... cá lóc! “Cũng may, vụ đó tôi thu hoạch được hơn một tấn cá lóc, bán ra không những chỉ đủ vốn mà còn lời được một ít. Tôi nghĩ, biết đâu số mình “hợp” với cá lóc nên từ đó chuyển qua nuôi loại cá này luôn đến giờ” - chị Vân nhớ lại.

Đến trang trại của chị Ba Vân, chúng tôi không thể hình dung được vùng đất này trước đây vốn là rừng hoang hóa. Hiện trang trại của chị được thiết kế thành nhiều khu nuôi cá lóc, cá sấu, ba ba.

Trên bờ, chị cho trồng cây so đũa, bưởi, mai, xoài để tạo bóng mát cho cá và thu hoạch thêm. Chị khoe: “Sắp tới, tôi mở thêm khu nuôi heo rừng để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong vườn. Mỗi năm, lợi nhuận từ mô hình kinh tế trang trại này khoảng 1 tỉ đồng”.


Hôm chúng tôi đến trang trại của chị Ba Vân, lứa cá lóc bông ở đây đang chuẩn bị thu hoạch. Bây giờ, chuyện nuôi cá đối với chị trở nên dễ dàng, chỉ cần nhìn cá ăn là chị biết chúng có bệnh gì hay không, điều trị như thế nào.

Là chủ nhưng chị Ba Vân luôn lăn xả làm việc như các công nhân. Ngay cả việc chạy xe tải chở thức ăn cho cá, chị cũng tự tay làm. Chị tâm niệm: “Phải làm việc bằng tất cả cái tâm của mình mới thành công được”.


Hết lòng vì người nghèo


Rất nhiều người dân sống xung quanh trang trại của chị Ba Vân đều cho biết chị luôn sống hết lòng với những người nghèo khó, luôn giúp đỡ người gặp khó khăn. Chị Nguyễn Thị Lệ, nhà ở thị trấn Bình Đại, một trong những người làm công tại trang trại của chị Ba Vân, kể: “Tôi làm việc tại trang trại của chị Vân đã vài năm nay. Bất cứ khi nào nhà tôi gặp khó khăn, thiếu thốn gì, chị đều tìm cách giúp đỡ. Không chỉ tôi, những người làm ở trang trại này cũng đều được chị Vân giúp đỡ chân tình như vậy. Điều chúng tôi rất quý chị Vân là chị không hề phân biệt chủ tớ”.


Chị Phạm Thị Bé Hai, ngụ tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri – Bến Tre, cho biết chị kết bạn với chị Ba Vân khoảng 5-6 năm nay, hiện hai người đã thân tình như chị em ruột thịt.

“Tính chị Vân hay thương người. Biết ai gặp khó khăn, chị đều sẵn lòng giúp đỡ mà không hề suy tính thiệt hơn. Tôi còn thấy ở chị sự kiên nhẫn và tính cách mạnh mẽ hơn cả đàn ông. Muốn làm việc gì, chị đều cố gắng làm cho bằng được việc ấy, dù có khó khăn, trở ngại thế nào đi nữa”.

img
Chị Ba Vân bên ao cá trong trang trại của mình

Trong căn nhà chị Ba Vân nằm ở khuôn viên trang trại, bàn thờ Bác Hồ được đặt trang trọng ngay giữa nhà, được trang trí đèn hoa cẩn thận. Trên chiếc xe tải chở thức ăn cho cá của chị lúc nào cũng gắn cờ Tổ quốc, cờ Đảng.


Đời sống khá giả, chị Ba Vân luôn nghĩ đến những người nghèo khổ bất hạnh như mình ngày xưa. Năm nào cũng vậy, chị dành hàng chục triệu đồng để làm từ thiện khắp nơi trong tỉnh.

Chúng tôi thắc mắc: “Không chồng con, sao chị vẫn cật lực làm việc mà không lo nghỉ ngơi, hưởng thụ, tài sản sau này ai hưởng?”. Chị vui vẻ: “Mai này tôi có mất đi thì tài sản này để dành giúp đỡ những người nghèo khổ”.


Kỳ tới: Khoác áo dân quân tự vệ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo