xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo khung pháp lý bảo vệ đoàn viên - lao động

Bài và ảnh: THANH NGA

Luật Công đoàn vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, khó can thiệp, bảo vệ quyền lợi của người lao động

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM vừa tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) với sự tham gia của gần 50 đại biểu là cán bộ Công đoàn, đại diện các sở, ban, ngành thành phố.

Bảo vệ, giúp cán bộ Công đoàn tự tin

Theo bà Trương Thị Minh Dung - Chủ tịch LĐLĐ quận 1, dù luật có quy định bảo vệ cán bộ Công đoàn nhưng hiện nay vẫn có nhiều chủ doanh nghiệp (DN) chưa hỗ trợ cán bộ Công đoàn hoạt động, thậm chí có hành vi chèn ép, tạo áp lực trong công việc, tìm cách sa thải cán bộ Công đoàn. Từ thực tế này, bà đề nghị khi xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có các quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ cán bộ Công đoàn cơ sở, giúp họ tự tin thực hiện nhiệm vụ.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan Thanh Huệ, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, cho rằng cán bộ Công đoàn tại các DN có quy mô từ trên 1.000 lao động phải chịu áp lực rất lớn, rất cần sự tiếp sức của Công đoàn cấp trên. Ông đề xuất cần bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách tại các đơn vị này để chia sẻ áp lực cũng như tạo sức bật cho Công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ người lao động (NLĐ) khi phát sinh tranh chấp lao động.

Liên quan các yếu tố cản trở hoạt động Công đoàn, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết tại một số đơn vị có dấu hiệu về dùng nguồn lực kinh tế tác động đến năng lực lao động, hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đó là đã có các nhóm ngành sử dụng lợi thế kinh tế (đơn hàng) để can thiệp vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, yêu cầu ban chấp hành Công đoàn cơ sở không được có các nhân tố tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Do đó, bà Thúy đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu quy định chi tiết hơn về việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo Công đoàn cơ sở tại DN.

Về việc bảo vệ cán bộ Công đoàn, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM cho rằng ngoài quy định người sử dụng lao động không được sa thải cán bộ Công đoàn không chuyên trách thì cần sửa đổi quy định Công đoàn cấp trên có quyền can thiệp để bảo vệ cán bộ Công đoàn cơ sở khi họ bị sa thải trái pháp luật. Trung tâm đề xuất bỏ từ "trái pháp luật" vì chỉ có tòa án mới tuyên bố việc sa thải đó là trái pháp luật. Như vậy, đến khi Công đoàn cấp trên can thiệp được thì đã quá trễ.

Tạo khung pháp lý bảo vệ đoàn viên - lao động- Ảnh 1.

Lãnh đạo LĐLĐ quận 6, TP HCM thăm hỏi công nhân tại nhà trọ

Bảo đảm quỹ bảo vệ người lao động

Một trong các vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm góp ý là về cơ chế tài chính của tổ chức Công đoàn. Hầu hết đại biểu đều thống nhất việc duy trì kinh phí Công đoàn (do cơ quan, tổ chức, DN đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ) để tạo nguồn quỹ chăm lo cho đoàn viên - lao động.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng những năm qua, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đoàn viên - lao động. Thời điểm đó, nhờ có nguồn tài chính tích lũy, tổ chức Công đoàn đã triển khai rất nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ kịp thời NLĐ bị cách ly, phong tỏa, bị nhiễm bệnh, bị mất việc làm, bị tạm hoãn hợp đồng… vượt qua khó khăn. 

Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến cuối năm 2021, các cấp Công đoàn đã chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Riêng tại TP HCM đã có 1,3 triệu lượt đoàn viên - lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được các cấp Công đoàn chăm lo với kinh phí 692 tỉ đồng.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, những chính sách hỗ trợ công nhân bị mất việc, giảm giờ làm do DN phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất… vẫn được các cấp Công đoàn duy trì.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, hoạt động của tổ chức Công đoàn ngoài chăm lo, bảo vệ NLĐ còn rất nhiều nội dung khác như tuyên truyền, tạo sân chơi cho công nhân, con công nhân không chỉ tại nhà máy mà còn đến tận nhà trọ… Do vậy việc duy trì kinh phí Công đoàn là phù hợp.

Bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết hiện nay 75% tổng số thu kinh phí Công đoàn được trích về cơ sở để cơ sở tự tổ chức hoạt động chăm lo tại đơn vị mình, 25% còn lại do Công đoàn cấp trên quản lý. Với 25% này, phần lớn được trích vào quỹ bảo vệ NLĐ, quỹ này được sử dụng để chăm lo, bảo vệ đoàn viên - lao động khi gặp khó khăn hoặc khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, việc làm của NLĐ. Dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình. Do vậy cần bảo đảm nguồn quỹ này để Công đoàn tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình.

Đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí tại điều 30 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số đại biểu tán thành việc phân bổ kinh phí cho cơ sở với tỉ lệ 75% tại phương án 2. Cụ thể, "Kinh phí Công đoàn theo điểm b khoản 1 điều 29 do Công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại DN". 

Tuy nhiên do chưa có tiền lệ về tổ chức của NLĐ, chưa được đúc kết từ thực tế, còn nhiều lúng túng nên các đại biểu cho rằng việc phân bổ cụ thể về tài chính đối với 75% kinh phí được trích lại cho Công đoàn cơ sở và tổ chức đại diện NLĐ khác tại DN (nếu có) cần được làm rõ hơn thông qua quy định về tài chính Công đoàn cho phù hợp. 

"Việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn hoạt động. Do đó các cấp Công đoàn, các đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu để góp ý sau kỳ họp Quốc hội thứ 7 nhằm hoàn thiện dự thảo, để khi Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp hoạt động Công đoàn thuận lợi hơn" - ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nhấn mạnh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo