img

Israel và Iran có sức mạnh quân sự tương đồng; Iran có sự giúp sức của mạng lưới nhóm vũ trang khắp Trung Đông trong khi Israel có đồng minh "hỗ trợ vô điều kiện" là Mỹ.

Sức mạnh quân sự Iran - Israel: Đồng cân đồng lạng- Ảnh 1.

Quân số Iran áp đảo

Iran nắm lợi thế về quân lực, với khoảng 1,2 triệu binh sĩ bên cạnh hàng ngàn hệ thống pháo binh.

Israel có khoảng 750.000 quân nhân nhưng một phần lớn trong số này đang tham gia vào các hoạt động trên Dải Gaza, trong khi một phần khác duy trì hiện diện ở phía Bắc để ngăn chặn các cuộc tấn công từ phong trào Hezbollah ở Lebanon.

Dù bị áp đảo về lượng binh sĩ nhưng Israel không hề bị áp đảo về hỏa lực. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có hơn 3.000 xe tăng trong biên chế, gần gấp đôi so với Iran.

So sánh sức mạnh giữa Israel và Iran. Đồ họa: Daily Mail – Việt hóa: Thanh Long

So sánh sức mạnh giữa Israel và Iran. Đồ họa: Daily Mail – Việt hóa: Thanh Long

Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định với Daily Mail rằng những con số trên không mang lại nhiều khác biệt trên thực tế.

Giữa Israel và Iran được ngăn cách bởi một số quốc gia - Syria, Iraq, Jordan và Ả Rập Saudi - với khoảng cách gần 965 km theo đường chim bay từ biên giới này sang biên giới khác, và hơn 1.575 km tới Tehran.

Israel và Iran cách xa nhau cả ngàn km. Nguồn: NBC News

Israel và Iran cách xa nhau cả ngàn km. Nguồn: NBC News

Đặc điểm địa lý này đồng nghĩa kịch bản xung đột trên bộ rất khó xảy ra. Ngay cả khi cố gắng đưa quân sang Iraq và Syria để tiếp cận Israel, Iran sẽ gặp phải phản ứng tức thì của Mỹ.

Khả năng hải chiến cũng rất khó xảy ra. Do đó, hoạt động giao tranh nhiều khả năng xoay quanh lực lượng không quân, tên lửa và máy bay không người lái (UAV).

Binh sĩ Israel chuẩn bị tiến vào Gaza hôm 7-4. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Israel chuẩn bị tiến vào Gaza hôm 7-4. Ảnh: Reuters

Iran có lợi thế về quân lực, với khoảng 1,2 triệu binh sĩ bên cạnh hàng nghìn hệ thống pháo binh. Ảnh: Reuters

Iran có lợi thế về quân lực, với khoảng 1,2 triệu binh sĩ bên cạnh hàng nghìn hệ thống pháo binh. Ảnh: Reuters


Israel trội không quân, Iran hơn tên lửa

Lực lượng Không quân Israel (IAF) chắc chắn chiếm ưu thế trước đối thủ, khi sở hữu "những chiến đấu cơ tốt nhất do Mỹ sản xuất", bao gồm máy bay tàng hình F-35 đáng gờm bên cạnh F-15 và F-16 được thiết kế đặc biệt theo yêu cầu của IAF.

IAF còn được cho là sở hữu lượng máy bay chiến đấu áp đảo so với Lực lượng Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIAF), hơn khoảng 100 chiếc. Israel có khoảng 460 máy bay quân sự, còn Iran có 336 chiếc.

Israel sở hữu "những chiến đấu cơ tốt nhất do Mỹ sản xuất", bao gồm F-35. Ảnh: Reuters

Israel sở hữu "những chiến đấu cơ tốt nhất do Mỹ sản xuất", bao gồm F-35. Ảnh: Reuters

IRIAF sử dụng nhiều chiến đấu cơ khác nhau, bao gồm F-14 Tomcat thế hệ cũ, bên cạnh một loạt máy bay chiến đấu được Nga và Trung Quốc sản xuất.

IRIAF gần đây đã đặt mua một phi đội tiêm kích Su-35 từ Nga nhằm củng cố năng lực tác chiến, song những chiếc này vẫn chưa được bàn giao.

Iran nắm trong tay kho tên lửa và UAV được đánh giá là "có số lượng lớn và đa dạng nhất Trung Đông". Ảnh: Reuters

Iran nắm trong tay kho tên lửa và UAV được đánh giá là "có số lượng lớn và đa dạng nhất Trung Đông". Ảnh: Reuters

Không sở hữu nhiều chiến đấu cơ như Israel nhưng Iran nắm trong tay một loạt tên lửa và UAV uy lực. Kho tên lửa và UAV của quốc gia này được đánh giá là "có số lượng lớn và đa dạng nhất Trung Đông", có thể được sử dụng để triển khai các cuộc tấn công nhằm vào Israel.

Giới chuyên gia khẳng định hệ thống phòng không đa tầng của Israel dù mạnh mẽ nhưng có nghĩa là không thể xuyên phá.


Các lực lượng ủy nhiệm của Iran

- Houthi ở Yemen

Mỹ cáo buộc Iran trang bị vũ khí cho Houthi, lực lượng đã và đang tấn công Israel trong một chiến dịch được tuyên bố là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine trong xung đột Israel-Hamas. Tehran phủ nhận cáo buộc này.

Lực lượng Houthis từng tuyên bố vào năm 2022 rằng họ đã phóng một số tên lửa đạn đạo và UAV vào Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Các chiến binh Houthi phóng lựu đạn chống tăng trong một cuộc diễn tập quân sự gần TP Sanaa - Yemen, vào tháng 10-2023. Ảnh: Reuters

Các chiến binh Houthi phóng lựu đạn chống tăng trong một cuộc diễn tập quân sự gần TP Sanaa - Yemen, vào tháng 10-2023. Ảnh: Reuters

- Hezbollah ở Lebanon

Thủ lĩnh Hassan Nasrallah của phong trào Hezbollah ở Lebanon từng tuyên bố vào năm 2022 rằng lực lượng này có khả năng chuyển đổi hàng ngàn rốc-két thành tên lửa có độ chính xác cao, cũng như khả năng sản xuất UAV.

Ngoài kho vũ khí gồm súng máy, rốc-két, Hezbollah còn có hàng loạt hệ thống chống tăng và phòng không, kèm theo đó là hàng ngàn UAV, hàng chục xe tăng và xe thiết giáp.

Thành viên Hezbollah ở miền Nam Lebanon. Ảnh: Hezbollah

Thành viên Hezbollah ở miền Nam Lebanon. Ảnh: Hezbollah

- Syria

Theo giới chức tình báo Israel và phương Tây, Iran đã chuyển tên lửa dẫn đường sang Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại quân nổi dậy.

Iran cũng đã chuyển một số năng lực sản xuất của họ đến các khu phức hợp dưới lòng đất ở Syria, nơi quân chính phủ Syria và các lực lượng thân Tehran khác học cách tự chế tạo tên lửa, theo Times of Israel.

Iran đã hỗ trợ thành lập Lực lượng Phòng vệ quốc gia Syria (NDF), quy tụ hàng chục ngàn binh lính từ Syria, Iran, Iraq, Afghanistan và Pakistan.

- Iraq

Lực lượng vũ trang thân Iran ở Iraq là Kata'ib Hezbollah (KH) và các nhóm vệ tinh. Đây là lực lượng từng nhiều lần tấn công các căn cứ ở Iraq có lính Mỹ đồn trú.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở thủ đô Damascus vào năm ngoái. Ảnh: Reuters

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở thủ đô Damascus vào năm ngoái. Ảnh: Reuters


Đồng minh của Israel

Đồng minh lớn nhất của Israel chính là Mỹ. Israel là "khách hàng quốc tế" đầu tiên sử dụng F-35, vốn được mệnh danh là "chiến đấu cơ tiên tiến nhất từng được Mỹ chế tạo". Israel đang trong quá trình mua 75 chiếc F-35 và tính đến năm ngoái đã nhận 36 chiếc, được thanh toán với sự hỗ trợ Mỹ.

Mỹ cũng giúp Israel phát triển và trang bị hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt). Theo Reuters, Washington nhiều lần gửi cho Israel "hàng trăm triệu USD" để giúp quốc gia này bổ sung tên lửa đánh chặn.

Mỹ còn hỗ trợ tài chính để Israel phát triển hệ thống "David's Sling", được thiết kế để bắn hạ rốc-két ở khoảng cách lên đến 200 km.

Ngoài viện trợ quân sự và tài chính, Mỹ còn hỗ trợ Israel ở nhiều khía cạnh khác, bao gồm sử dụng quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn những nghị quyết bị xem là nhằm chỉ trích Israel.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower. Ảnh: Hải quân Mỹ  Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower. Ảnh: Hải quân Mỹ

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower. Ảnh: Hải quân Mỹ Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hiện ở phía Đông Địa Trung Hải hiện có 2 tàu khu trục Mỹ, được trang bị hệ thống Aegis chống tên lửa đạn đạo. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower đang di chuyển về phía Bắc thông qua biển Đỏ hướng Israel, theo trang Times of Israel. Lực lượng điều thêm của Mỹ "bao gồm cả tàu và máy bay chiến đấu", bên cạnh hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ hiện có ở Trung Đông (trong đó khoảng 3.400 binh sĩ đồn trú tại Iraq và Syria).


Sức mạnh quân sự Iran - Israel: Đồng cân đồng lạng- Ảnh 12.

Lực lượng ủy nhiệm đợi lệnh từ Iran

Với việc Iran và Israel không sẵn sàng cũng như không thể đối đầu bằng bộ binh thì biện pháp trả đũa có phần hạn chế.

Iran dù cách xa biên giới Israel hàng trăm km nhưng lại có nhiều lực lượng ủy nhiệm được trang bị tốt, gồm Hamas. Trong trường hợp Iran đưa ra mệnh lệnh nhanh chóng, các nhà lãnh đạo lực lượng Hezbollah ở Lebanon sẽ tăng cường đáng kể hoạt động gây hấn chống lại Israel.

Hơn nữa, dù Iran không thể điều quân sang Iraq và Syria để tấn công Israel nhưng Iran lại sở hữu một lực lượng trung thành đông đảo ở cả hai quốc gia này có khả năng sẵn sàng chiến đấu thay Iran.

Một trong những lực lượng ủy nhiệm không thể không kể đến là Houthi ở Yemen. Không giống Hezbollah và Hamas, Houthi không xem Israel là kẻ thù lớn nhất và cũng không có chung đường biên giới với Israel nhưng lại có năng lực tên lửa đáng kể. Nhóm này đã gây tác động đáng kể lên thương mại toàn cầu khi tiến hành các cuộc tấn công ở biển Đỏ chống lại tàu Israel.

Bản đồ Iran và nơi các lực lượng ủy nhiệm đồn trú. Ảnh: Daily Mail

Bản đồ Iran và nơi các lực lượng ủy nhiệm đồn trú. Ảnh: Daily Mail

Nếu giới lãnh đạo Iran chỉ đạo một phần hoặc tất cả các lực lượng nói trên cùng khởi xướng cuộc tấn công phối hợp vào Israel, thì Lực lượng phòng về Israel (IDF) - vốn đang đối đầu với Hamas ở Gaza - sẽ gặp áp lực to lớn trong việc bảo vệ biên giới cũng như không phận Israel.

Các cuộc tấn công tên lửa phối hợp từ những nhóm này cũng sẽ làm tê liệt hệ thống phòng không của Israel, góp phần nâng cao hiệu quả của một cuộc tấn công tên lửa tầm xa từ Iran.

Israel vốn sở hữu mạng lưới phòng không tiên tiến, bao gồm hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) và hệ thống phòng không David's Sling nổi tiếng thế giới được thiết kế để chống lại tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và máy bay chiến đấu. Nhưng các hệ thống này không phải là không thể bị xuyên thủng và có thể bị áp đảo bởi hàng loạt tên lửa phối hợp.


Tấn công trực tiếp bằng tên lửa

Đề cập đến khả năng phản đòn của Iran, ông Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: "Iran có thể xem một cuộc tấn công bằng đội máy bay không người lái cảm tử là cơ hội tốt nhất để khôi phục khả năng răn đe và chứng minh rằng Israel không thể tấn công các nhà lãnh đạo Iran mà tránh khỏi bị trừng phạt. Iran cũng có thể tin rằng một cuộc tấn công như vậy có thể khiến Mỹ gia tăng áp lực lên Israel để không trả đũa lần nữa và không khiến xung đột lan rộng".

Hệ thống phòng không Vòm Sắt ngăn chặn đợt tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào Israel hồi tháng 1. Ảnh: Reuters

Hệ thống phòng không Vòm Sắt ngăn chặn đợt tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào Israel hồi tháng 1. Ảnh: Reuters

GS Wyn Bowen tại khoa nghiên cứu chiến tranh tại Trường ĐH King's College London (Anh) lại nhận định các cuộc tấn công trên không quy mô lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Iran, gồm cả sự can dự từ quân đội Mỹ.

Đồng quan điểm, Đại tá Mỹ về hưu Jonathan Sweet và chuyên gia an ninh Mark Toth nói thêm rằng một cuộc tấn công trực tiếp vào Israel có thể gây ra phản ứng dữ dội từ cả Israel và Mỹ. Khi đó, Israel có thể đáp trả bằng cách triển khai một hoặc tất cả các khí tài tầm xa của mình như máy bay ném bom tàng hình F-35, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công sâu chính xác và tàu ngầm được trang bị hạt nhân.

Về phía Mỹ, các chuyên gia này cho rằng Mỹ nhiều khả năng huy động đầy đủ khí tài gồm tên lửa hành trình, máy bay ném bom B-52, tàu ngầm, tàu sân bay và máy bay chiến đấu ném bom trên bộ.

Binh lính Mỹ trong một lần triển khai đến Iraq. Ảnh: Quân đội Mỹ

Binh lính Mỹ trong một lần triển khai đến Iraq. Ảnh: Quân đội Mỹ

Hai chuyên gia này cũng chỉ ra một cuộc tấn công trên không quy mô lớn của Israel nhằm vào Iran cũng có thể nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Mục tiêu kép của chiến dịch này vừa răn đe vừa đẩy lùi chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.


Tấn công mạng và ám sát

Trong trường hợp muốn tránh xung đột toàn diện, Iran có thể chọn cách tăng cường các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Israel. Đây là cách tiếp cận ít công khai hơn và sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra phản ứng vũ trang.

Song song đó, Iran cũng có thể tiến hành các vụ ám sát nhằm vào các cá nhân và tấn công tài sản của Israel trên toàn thế giới. Cách đáp trả này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro leo thang cuộc xung đột ra khu vực.


Xuân Mai - Cao Lực
Lê Duy
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên