Lòng tốt giữa đại ngàn

Chị Ka Hiếu, vợ chồng anh Ha Tông..., những người con của núi rừng đang sống trong nghèo khó nhưng có tấm lòng nhân hậu. Tự tâm hồn họ đã thắp lên ngọn lửa mang hình chữ “nhân” cao quý, lung linh giữa đại ngàn

Chúng tôi tìm đến buôn Xoan thuộc thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Buôn Xoan của người K’ho nằm ngay bên Quốc lộ 27. Hỏi nhà chị Ka Hiếu không khó khăn lắm, bởi không có ai ở vùng này là không biết chị và những câu chuyện về tấm lòng nhân hậu của chị.

img
Tho My và cha Ha Tông

Người phụ nữ K’ho và những đứa con nuôi


Đối diện chúng tôi là người phụ nữ có gương mặt hiền từ với nụ cười hồn nhiên, chân chất. Chị không nói nhiều về bản thân mình mà chỉ nói về những đứa con. Người mẹ ấy sung sướng, mãn nguyện khi kể về những đứa lớn nay đã trưởng thành và nước mắt ròng ròng khi nhắc đến cháu K’Len không may đã mất và cháu K’Niệm đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Những đứa con ấy không phải do chị sinh ra nhưng chúng đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của chị. Không có con đẻ, nhưng chị lại đang ôm ấp trong vòng tay của mình 8 đứa con nuôi và bây giờ thêm một đàn cháu ngoại mạnh khỏe, ngoan ngoãn. Theo dòng hồi ức, Ka Hiếu kể lại:


Mẹ chết từ năm 1968, cha đi bước nữa từ năm 1971. Ka Hiếu lớn lên trong căn nhà lạnh lẽo với thân phận mồ côi. Tuổi thơ của chị thấm đẫm nước mắt tủi khổ. Năm 1977, mới bước sang tuổi 18, Ka Hiếu bắt chồng.

Chị trải qua một lần sinh nở nhưng cháu bé mới 3 tháng tuổi đã lìa đời. Hai năm sau, chị lại phải gánh thêm một nỗi đau nữa khi người chồng bị Fulro bắn chết.

Từ đó, như một định mệnh, cuộc đời người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh này đã gắn liền với cuộc đời của nhiều đứa trẻ côi cút, bơ vơ với sự đồng lo toan và chia sẻ của người chồng mới là anh K’Déo.

Chị kể: “Năm 1979, tôi nhận nuôi cháu Ka En khi mẹ cháu mất vì sốt rét ác tính. Lúc đó, tôi 20 tuổi, Ka En 7 tuổi. Một mẹ, một con lại sống trong tâm trạng bị nhiều người dị nghị, nhưng vì thương cháu côi cút, tôi đã chấp nhận hết mọi điều và quyết nuôi dưỡng cháu nên người”.

Khi chị Ka Hiếu đang tiếp chuyện chúng tôi thì Ka En dẫn 6 đứa con sang thăm ông bà ngoại. Nhìn mẹ âu yếm, Ka En rơm rớm nước mắt: “Em về với mẹ Ka Hiếu từ lúc lên 7. Bao năm tháng qua, mẹ đã yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy em nên người rồi lại hết lòng lo cho các con em. Nếu không có mẹ thì đời em không biết đã đi về đâu!”. Ka En cũng mời chúng tôi qua thăm nhà, một ngôi nhà khang trang, khá tiện nghi và rất ấm cúng trong khuôn viên chung với chị Ka Hiếu.


Sau Ka En, từ năm 1980-1995, chị Ka Hiếu còn nhận thêm 6 cháu bé mồ côi khác về nuôi. Đứa lớn nhất khi về với chị cũng chỉ mới 3 tuổi và nhỏ nhất thì mới ra đời được 20 ngày.

Cô gái Ka Nhiêu đỏ hỏn ngày nào nay đã trở thành một bà mẹ trẻ. Cô cũng có một gia đình hạnh phúc, một mái ấm ngay trong vườn mẹ nuôi bên cạnh nhà chị cả Ka En.

Chị Ka Hiếu nói: “Lúc mới về, nó còn đỏ hỏn và gầy queo, khóc suốt ngày suốt đêm. Tôi phải chạy ngược chạy xuôi để tìm đường, sữa nuôi con”. Tương tự, ba anh em ruột mồ côi mẹ, cha bỏ đi bước nữa là K’Len, K’Lẻ, Ka Nhiêu và 3 đứa trẻ mồ côi khác là Ka Hoài, Ka Hồi, K’Lưu cũng được mẹ Ka Hiếu đưa về nuôi.

Thế nhưng K’Len đã mất cách đây 3 năm sau một cơn đau nặng. Nhìn di ảnh của con, chị Hiếu nghẹn ngào: “Cháu mất 3 năm rồi nhưng tôi vẫn luôn nằm mơ thấy nó về nũng nịu”. Hoàn cảnh lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, chị đã nghĩ rằng “thôi, xem thằng K’Lưu như là con út vậy”.

Nhưng rồi chị lại không thể kìm lòng được khi nghe tiếng khóc thất thanh của một cháu bé mới chào đời đã bị bỏ rơi. Đó là một đêm tối trời vào tháng 11-2000, lúc đó, chị đã ngủ ngon thì chợt có tin báo từ Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà: Có một cháu bé vừa chào đời thì người mẹ đã trốn khỏi phòng sinh.

Ka Hiếu cùng chồng chạy ngay đến trung tâm. Chị đã khóc nức nở khi ngắm hài nhi đỏ hỏn ấy. Từ cái nhìn đồng tình khích lệ của chồng, chị đã bồng cháu bé về nhà. Đứa con út này, chị Ka Hiếu đã đặt cho nó một cái tên thật có ý nghĩa, K’Niệm. Thế nhưng sau 13 tháng đầu lớn lên rất nhanh, K’Niệm đã mắc bệnh hiểm nghèo - bệnh động kinh.

Nhìn gương mặt thất thần, biến dạng của con, chị đau lòng khôn tả. Chị đã bán trâu, bò, cà phê... để đưa con xuống TPHCM chữa trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. K’Niệm sống một đời sống thực vật, đã bước sang tuổi lên năm nhưng cháu chỉ như một đứa trẻ đang còn nằm nôi.

Chị nuốt nước mắt tâm sự: “Nếu nơi nào chữa bệnh cho cháu có thể trở thành người bình thường, tôi sẵn sàng bán hết nhà cửa, ruộng vườn để lo cho con...”. Anh K’Déo nói với chúng tôi rằng từ khi biết cháu lâm bệnh, gia đình đã “không dám sắm thêm một cái ly uống nước”.

img
Chị Ka Hiếu và bé K'Niệm

Lòng nhân hậu của người Chil


Dân tộc Chil có câu: “Yang kon đời lang he – Yang kon me lang nài”, nghĩa là: “Mình nghèo khổ nhưng có tấm lòng giúp người, trời sẽ cho điều phúc đức”.

Để chứng minh điều đó, chúng tôi đã về với Đam Rông - huyện vùng sâu nghèo khó bên dòng K’Rông Nô của tỉnh Lâm Đồng. Câu chuyện thấm đẫm tình người  chính là nói về tấm lòng nhân hậu của những người Chil đã sống theo đạo lý mà tổ tiên của họ truyền dạy.


Để đến được với buôn Mê Ka, xã Đạ Tông và gặp những thành viên trong gia đình anh Rơ ông Ha Tông giữa căn nhà gỗ khiêm nhường nép mình dưới chân núi Lơmbur, chúng tôi phải vượt một chặng đường rừng gần 200 cây số với chập chùng những dãy núi và ba con đèo chênh vênh, hiểm trở trong cái nắng chói chang. Câu chuyện giành lại sự sống cho đứa trẻ sơ sinh của vợ chồng Ha Tông đã được anh kể lại trong không gian thấm đẫm cảm xúc.


Năm 2000, chị Ka Hiếu lâm bệnh nặng phải đi TPHCM phẫu thuật. Sợ mình không qua khỏi, chị đã bán 20 con heo, 2 con bò, 5 tấn cà phê được 90 triệu đồng và mua bảo hiểm hết số tiền đó cho các con.

Trải bao đời nay, đồng bào dân tộc Chil vẫn lưu truyền một hủ tục lạc hậu mà ai đã từng chứng kiến đều phải quặn lòng: nếu một sản phụ trong khi sinh nở chẳng may qua đời thì đứa bé sơ sinh sẽ phải chôn sống theo mẹ.

Cách hành xử đó xuất phát từ quan niệm nếu đứa trẻ con của sản phụ bất hạnh ấy mà sống sẽ truyền lại những điều xấu cho dòng họ và buôn làng. Thế rồi bao đời nay, biết bao đứa trẻ vừa ra đời chưa một lần bú mớm đã bị úp lên bụng của người mẹ xấu số và bị vùi theo mẹ vào lòng đất sâu.

Một ngày cuối tháng 3-1993, điều bất hạnh ấy đã đến với bà mẹ trẻ Liêng hót Ka Pâng khi chị hạ sinh đứa con thứ ba. Chị Kon sơ Ka Glong, vợ Ha Tông, kể: “Trước khi trở dạ hai ngày, Ka Pâng đã đuối sức lắm. Thế rồi, sinh con được ba ngày thì nó chết”.

Theo tập tục truyền đời, đứa bé trai ba ngày tuổi ấy sẽ phải úp lên bụng thi hài mẹ nó để chôn. Thật may mắn, đôi vợ chồng nhân hậu này đã đối đầu với hủ tục, giải cứu sinh mệnh cho đứa trẻ bất hạnh.

Anh Ha Tông tiếp lời: “Vợ chồng tôi đã từng chứng kiến nhiều đứa trẻ, thậm chí có lúc là hai đứa sinh đôi, khóc ngằn ngặt lìa cõi đời. Xót xa không cầm lòng nổi anh ạ. Thế là, vợ chồng tôi bàn bạc và quyết chí cứu sống cháu bé”.

Vợ chồng anh Ha Tông đã phải nói hết lời với những người trong dòng tộc Ka Pâng. Lời thuyết phục xuất phát tận đáy lòng trong chan chứa nước mắt cuối cùng cũng làm mọi người thuận ý.

Trước khi bế đứa trẻ đỏ hỏn, chỉ nặng hơn 1 kg với hai phần sống, tám phần chết về nhà, Ha Tông cam kết với buôn làng: “Tôi coi nó như con ruột. Nếu nó sống, sẽ nuôi dạy đàng hoàng. Nếu nó chết sẽ chôn cất tử tế”.

Đứa trẻ ấy đã về nhà anh với cái tên do bố mẹ nuôi đặt: Kon sơ Tho My. Tho My, tiếng Chil có nghĩa là “được cứu sống”. “Với quan niệm truyền kiếp như thế, lúc nhận cháu về nuôi, vợ chồng anh có e ngại không?”- tôi hỏi.

“Ở dân tộc chúng tôi, nếu có người chết như thế, không có ai đến thăm và việc chôn cất cũng chỉ do những người trong dòng tộc lo. Người Chil cho rằng ai nhận nuôi con người chết sẽ mang theo sự xui xẻo, mang theo con ma về nhà. Nhưng vợ chồng tôi không nghĩ thế”.

Anh Ha Tông nói vậy, nhưng có lẽ chính lòng nhân ái, trắc ẩn đã giúp vợ chồng anh vượt qua những quan niệm lạc hậu từng đè nặng lên nhận thức hàng ngàn năm qua của một tộc người sống giữa đại ngàn...     


Vợ chồng anh Ha Tông có 6 đứa con ruột, thêm Tho My là 9 miệng ăn. Từ lúc sơ sinh cho đến lúc lên lớp 3, Tho My luôn đau ốm quặt quẹo. Sinh ra không được bú sữa mẹ, chỉ có nước cơm pha muối.

Nhưng nhờ tình yêu thương của bố mẹ nuôi mà đến nay Tho My đã lớn lên khỏe mạnh, trở thành một đứa con hiếu thảo, một học sinh lớp 9 ngoan hiền của Trường THCS Đam Rông.

Rất nhiều tấm lòng


Cũng như vợ chồng anh Ha Tông, về với vùng sâu Đam Rông này, chúng tôi cũng đã được gặp và sẻ chia với nhiều tấm lòng cao cả khác. Họ đã gánh thêm nỗi lo toan nhọc nhằn khi san sẻ tình cảm cho những cảnh đời bất hạnh.

Đó là vợ chồng Kon sơ Ha Khánh và Kơ sa Ka Glàng ở thôn Đa Kao 2, xã Đạ Tông, suốt 5 năm qua đã làm thuê, cuốc mướn nuôi 13 miệng ăn trong nhà. Đó là vợ chồng Đa Cát Dương và Mok Ka Đên dù chẳng khá giả gì nhưng luôn sẻ bớt phần cơm gạo trong nhà cho những người đồng tộc khó khăn, đứt bữa...