"Sưu tập vàng lá Châu Thành - Trà Vinh": Bảo vật dưới hố thiêng

(NLĐO) - 9 lá vàng dát mỏng độc đáo trong "Sưu tập vàng lá Châu Thành - Trà Vinh" - vừa được công nhận là bảo vật quốc gia - được phát hiện dưới hố thiêng ở di tích chùa Lò Gạch

"Sưu tập vàng lá Châu Thành - Trà Vinh": Bảo vật dưới hố thiêng- Ảnh 1.

Di tích chùa Lò Gạch

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Vàng lá phát hiện tại di tích chùa Lò Gạch

Vàng lá dát mỏng chạm khắc

Cuộc khai quật tại chùa Lò Gạch năm 2014 đã làm xuất lộ nhiều dấu vết phế tích kiến trúc tôn giáo cổ được xây dựng bằng gạch. Theo đó, 6 phế tích nền móng kiến trúc xây bằng gạch và 1 vết tích nền móng kiến trúc chỉ còn lại một phần nhỏ. 

Các nhà khảo cổ còn xác định nhiều dấu vết cấu trúc xây dựng bằng gạch là nền móng của các hạng mục khác tại chùa Lò Gạch. Chúng phân bố trong không gian 4.500 - 5.000 m2, tập trung trên một gò cát cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 4 - 5 m. 

Di vật phát hiện tại di tích này gồm các cấu kiện cửa đá, bệ yoni có lỗ chốt hình chữ nhật, những viên gạch có rãnh. Ngoài ra, nhiều di vật khác bằng đá và kim loại được phát hiện trong các hố thiêng, nổi bật nhất là vàng lá chạm khắc.

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

4 lá vàng nhóm 1 có hình chữ nhật, kích thước rất đều

Bộ sưu tập 9 lá vàng gồm 2 loại. Một loại gồm 8 lá vàng hình chữ nhật, bề mặt khắc miết hình con voi; loại còn lại là 1 lá vàng hình tròn, bề mặt chạm khắc hình hoa sen.

Về mặt khảo cổ học, 9 lá vàng được phát hiện trong 2 cấu trúc hố thiêng của 2 kiến trúc với những khác biệt cơ bản về kích thước, hình dáng, nội dung hình chạm khắc cũng như đặc điểm tạo hình và kỹ thuật chế tác.

9 lá vàng độc đáo

Theo hồ sơ của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, căn cứ đặc điểm hình học, kích thước, nội dung chạm khắc trên bề mặt các lá vàng và kết hợp đối chiếu tư liệu khảo cổ học về vị trí phát hiện, các nhà khảo cổ phân loại 9 lá vàng thành 3 nhóm.

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Lá vàng chạm khắc hình voi

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Bề mặt mỗi lá vàng trong nhóm 1 được chạm khắc hình con voi trong tư thế đứng thẳng nhìn chính diện, vòi buông xuống thấp

Nhóm 1 là 4 lá vàng hình chữ nhật, kích thước rất đều nhau (cạnh 6,5 - 7,7 cm). Đặc điểm nổi bật của nhóm hiện vật này là độ dày khá đồng đều (0,03 cm, dày hơn 2 nhóm còn lại), được chắp ghép 2 phần để tạo nên lá vàng lớn hơn. Trên bề mặt mỗi lá vàng chạm khắc hình một con voi đứng thẳng nhìn chính diện, vòi buông xuống thấp, đầu vòi uốn về bên trái. 

Hình ảnh voi được thể hiện đơn giản, tính cách điệu cao với những đường nét cơ bản nhấn mạnh đặc điểm nổi bật của đầu, vòi, mắt. Hai lỗ tai voi nhỏ; 2 chân trước được thể hiện rõ, còn 2 chân sau chỉ là đường nét ước lệ. Dù hình ảnh voi không cân đối song vẫn nêu được đặc điểm của con vật này.

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

4 lá vàng phát hiện ở đáy cấu trúc hố thiêng

Nhóm 2 là 4 lá vàng phát hiện ở đáy cấu trúc hố thiêng. Mỗi lá vàng nằm trong một ngăn nhỏ, đặt giữa 4 cạnh theo chiều đứng và áp vào bề mặt tường hố thiêng. 4 lá vàng trong nhóm này cũng có hình chữ nhật nhưng không đều nhau (rộng 6 - 6,9 cm); mỏng hơn so với 4 hiện vật thuộc nhóm 1 (0,017 - 0,023 cm).

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Voi được chạm khắc trên các lá vàng nhóm 2

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Mỗi lá vàng nằm bên trong một ngăn nhỏ, đặt ở giữa 4 cạnh

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Các lá vàng được đặt đứng và áp vào bề mặt tường hố thiêng

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Các lá vàng nhóm 2 cũng có hình dạng chữ nhật nhưng không đều nhau

Bề mặt lá vàng nhóm 2 cũng chạm khắc hình voi trong tư thế đứng nhìn chính diện, thân hình mập mạp với các đặc điểm cơ thể rất chi tiết, chính xác, cân đối, chân thực. Đầu voi có hai gồ tròn nổi cao. Vòi voi dài, vươn về bên trái, uốn cong mềm mại; mũi dài nhô ra sinh động ở đầu vòi. Đôi ngà cong, dài, nhọn cân đối, ôm lấy hai bên vòi. 

Đôi mắt voi tròn to với những nếp nhăn quanh vành có tính tả thực rất cao. Đôi tai xòe to với vành rộng được thể hiện sống động. Bụng voi to tròn; 4 chân đứng thẳng với đầu gối, móng… rõ nét.

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Bề mặt lá vàng của nhóm 3 được chạm khắc hình hoa sen mãn khai

Nhóm 3 là lá vàng còn lại, hình tròn (đường kính 11,1 cm, dày 0,03 cm), được tìm thấy ở giữa ngăn vuông trung tâm của đáy hố thiêng. Bề mặt lá vàng này chạm khắc hình hoa sen mãn khai, được bố cục trong khuôn khổ hình tròn của lá vàng, hướng gia công được thực hiện trên cả hai mặt, theo từng bộ phận tương ứng như cánh, nhụy…, tạo nên hiệu ứng tả thực cao.

Trong đó, lớp ngoài cùng là 8 cánh hoa lớn xếp dính liền nhau. Vòng thứ hai là nhụy hoa, được thể hiện trong khung tròn. Nhụy hoa hình móc với một đầu cong xoắn mạnh quay hướng ra ngoài, đầu còn lại có thân thẳng đều hướng vào trong. Trung tâm là một vòng tròn, bên trong thể hiện 8 dải chấm tròn tỏa đều ra 8 hướng.

Bộ vật dâng cúng

Theo Cục Di sản văn hóa, vàng lá dát mỏng được cắt hoặc chạm khắc tạo hình các biểu tượng tôn giáo là một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa Óc Eo, gắn liền với loại hình di tích kiến trúc tôn giáo, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa và tôn giáo Ấn Độ (Bà La Môn giáo và Phật giáo).

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Vàng lá dát mỏng được cắt hoặc chạm khắc tạo hình các biểu tượng tôn giáo là một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa Óc Eo

Các lá vàng ở chùa Lò Gạch là một bộ vật dâng cúng, được "đặt" trong đáy cấu trúc hố thiêng của loại hình di tích kiến trúc tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo tại Nam Bộ. Hình voi chạm khắc có sự khác nhau giữa hai nhóm 1 và  2, liên quan 2 hố thiêng của 2 di tích kiến trúc. Điều đó cho thấy sự đa dạng trong hình thức thể hiện và kỹ thuật chế tác; cho thấy thời điểm xây dựng các công trình kiến trúc tại chùa Lò Gạch là khác nhau.

Chất liệu, kích thước, hình dáng và đặc điểm tạo hình voi trên vàng lá ở chùa Lò Gạch tương tự vàng lá phát hiện tại di tích Gò Thành ở tỉnh Tiền Giang. Sự giống nhau đó không chỉ bổ sung tư liệu về loại hình hiện vật trong văn hóa Óc Eo mà còn khẳng định về sự xuất hiện và phổ biến của loại hình di tích - di vật đặc trưng trong giai đoạn muộn của nền văn hóa này trên không gian Nam Bộ nói chung; là nét đặc thù trên vùng gò - giồng cát miền Tây Nam Bộ.

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Vàng lá chạm khắc hình voi và hoa sen ở di tích chùa Lò Gạch được "đặt" ở đáy cấu trúc hố thiêng

Trung tâm tôn giáo lớn thời kỳ Óc Eo

Theo hồ sơ của Cục Di sản văn hóa, hình ảnh voi trên các lá vàng ở chùa Lò Gạch được thể hiện có định hướng; vị trí nằm ở các hướng (đông - tây - nam - bắc) và có hướng nhìn tập trung vào một điểm ở trung tâm. 

Hình thức thể hiện voi trong tư thế đứng thẳng nhìn chính diện cho thấy nhiều khả năng chúng canh giữ bốn phương - phản ánh quan niệm của văn hóa Ấn Độ. Đây là nét độc đáo và là tư liệu quan trọng để nhận diện các nội dung tôn giáo cốt lõi liên quan loại hình di tích kiến trúc phát hiện tại chùa Lò Gạch và các di tích văn hóa Óc Eo đồng dạng ở Nam Bộ nói chung.

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Lá vàng được công nhận là bảo vật quốc gia

Với 6 phế tích di tích kiến trúc tôn giáo đã khai quật tại chùa Lò Gạch, cùng với dấu vết của những di tích khác, có thể kết luận chùa Lò Gạch là một di tích quy mô lớn, một quần thể kiến trúc tôn giáo gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc xây dựng bằng gạch. Di tích này hẳn từng là một trung tâm tôn giáo lớn và quan trọng trong thời kỳ văn hóa Óc Eo trên địa bàn Trà Vinh cũng như vùng gò - giồng cát tại Tây Nam Bộ, có niên đại vào khoảng thế kỷ VII - IX.

Văn hóa Óc Eo được cấu thành từ hai thành tố văn hóa bản địa và ngoại nhập. Nền văn hóa này trải qua quá trình tồn tại trong khoảng 1 thiên niên kỷ với các giai đoạn phát triển khác nhau, gồm: giai đoạn Óc Eo sớm (thế kỷ I - III), giai đoạn Óc Eo phát triển (thế kỷ IV - VII) và giai đoạn Óc Eo muộn (thế kỷ VII - X).

Bí mật phía sau bảo vật quốc gia -

Những lá vàng dát mỏng chạm khắc hình hoa sen và hình voi là cứ liệu quan trọng trong nghiên cứu về văn hóa Óc Eo cũng như lịch sử hình thành - phát triển của vùng đất Nam Bộ

Giai đoạn muộn của nền văn hóa này là một mảng nghiên cứu còn nhiều khoảng trống, chưa thực sự rõ ràng. Khảo cổ học đã phát hiện, nghiên cứu một số di tích thuộc giai đoạn này ở Nam Bộ, trong đó chùa Lò Gạch được xem là một trong những di tích quan trọng.

Loại hình di tích kiến trúc tôn giáo với các cấu trúc hố thiêng và vật dạng cúng, nổi bật là vàng lá, là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu và nhận thức về một giai đoạn của văn hóa Óc Eo; thể hiện đặc điểm của một giai đoạn phát triển trong lịch sử vùng đất Nam Bộ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 năm 2023 cho "Sưu tập vàng lá Châu Thành - Trà Vinh".