Kỷ lục gia "Hai Lúa" lưu giữ ký ức Sài Gòn - TP HCM

Vừa mở quán cà phê cho nhiều người có thể chiêm ngưỡng vừa mang hiện vật đi khắp nơi, nhà sưu tập "Hai Lúa" Huỳnh Minh Hiệp cho rằng chúng trở nên giá trị hơn khi được nhiều người biết đến

Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp (SN 1972, còn được nhiều người họi thân mật là Hai Lúa), Phó Chánh Văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam, vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận đã xác lập kỷ lục với bộ sưu tập các hiện vật liên quan dịch COVID-19. Bộ sưu tập của ông gồm phiếu đi chợ và các giấy tờ, hiện vật liên quan đại dịch COVID-19 tại các địa phương ở Việt Nam với số lượng lớn nhất.

Xác lập 7 kỷ lục

Trước đó, ông Huỳnh Minh Hiệp từng xác lập nhiều kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Người Việt toàn cầu với bộ sưu tập programme-poster film chiếu rạp; tư liệu, hiện vật về cải lương Việt Nam giai đoạn trước năm 1975; bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới; bộ sưu tập các hiện vật tái hiện Sài Gòn trước năm 1975…

Kỷ lục gia

Chiếc xe máy cũ và những hiện vật Sài Gòn xưa được ông Huỳnh Minh Hiệp sưu tầm

Ông Hiệp cho biết thời trẻ, ông làm nhân viên mặt đất ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ biết ảo thuật, ông thường xuyên biểu diễn cho khách xem. Sau mỗi tràng pháo tay tán thưởng, khách nước ngoài thường tặng ông tiền. Ông trở thành nhà sưu tập tiền các nước từ đó.

Kỷ lục gia

Ông Huỳnh Minh Hiệp tự hào với bộ sưu tập xe cổ quý hiếm

Ông Hiệp cũng tìm các kỷ vật từ các nguồn khác nhau. Lên mạng biết có nhà sưu tầm sở hữu 2 chiếc xe máy thời vua Bảo Đại, ông tức tốc đi tìm. Qua nhiều lần thuyết phục, đến lần thứ 5, khi ông cùng ngồi "lai rai" rồi trổ tài ảo thuật, nhà sưu tầm này mới xiêu lòng bán lại xe.

Với nhiều cách thức, ông Hiệp lần lượt bổ sung vào bộ sưu tập của mình những hiện vật "độc lạ", như: hàng trăm bìa nhạc của cố nhạc sĩ tài hoa Y Vân, giấy thưởng tiền của vua Bảo Đại cho Phó Tổng phủ Hàm Thuận - Bình Thuận Phạm Viết Thức, đồng bạc của vương quốc Phù Nam, tờ tiền 20 đồng có đóng dấu Ủy ban Kháng chiến hành chánh làng Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ…

Kỷ lục gia

Ông Hiệp với chiếc xe lôi phổ biến những năm 1960

Trong những tờ báo thuộc hàng xưa nhất ở Việt Nam phải kể đến Gia Định Báo ra mắt ngày 2-9-1890. Ông Hiệp tìm tờ này trên 10 năm mới thấy ở ngoài Bắc. Ông còn giữ tờ Lục Tỉnh Tân Văn mà ngay cả Bảo tàng TP HCM cũng chỉ có bản photocopy…

Tính đến nay, ông Hiệp có 7 bộ sưu tập được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập.

2 lần suýt mất bộ sưu tập tiền quý giá

Theo ông Huỳnh Minh Hiệp, bộ sưu tập nào ông cũng dày công tìm kiếm, mua lại, thậm chí "đánh đổi" nên vô cùng trân quý, nâng niu. Trong đó, phải kể đến khối tiền cổ của vua Minh Mạng do một nhà sưu tập ở Nam Bộ sở hữu.

Khi nhìn thấy khối tiền này, ông Hiệp đã mê mẩn nhưng nói cách nào thì nhà sưu tập cũng không chịu nhượng lại. Ông phải đón xe đò tới lui 5-7 lần, nài nỉ hết lời, nhà sưu tập này mới đồng ý nhượng lại với giá 10 triệu đồng - một số tiền rất lớn vào năm 1995, bằng 4-5 tháng lương của ông.

Kỷ lục gia

Ông Huỳnh Minh Hiệp với bộ sưu tập tiền cổ quý giá

Nghe tin một nhà sưu tập ở Cần Thơ sở hữu đồng tiền của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ I-VII), ông Hiệp vội vã tìm đến. Nhưng lần này, ông ra giá bao nhiêu, thuyết phục cách gì, nhà sưu tập kia cũng quyết không bán. Trăn trở mãi, ông đành bỏ cuộc. Thế nhưng, một lần tình cờ đến nhà người bạn tại Bạc Liêu chơi, ông kể về đồng tiền ấy. Không ngờ, người bạn này lại có một đồng, lập tức tặng ông Hiệp!

Khó khăn lắm mới có được bộ sưu tập tiền cổ nên đi đâu, ông Hiệp cũng mang theo trong chiếc ba lô kè kè bên người. Một lần, đang chạy xe máy trên đường, ông bị giật ba lô nhưng may mắn vụ cướp giật không thành. 

Ông Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP HCM:

Người bảo vệ hồn cốt Sài Gòn - TP HCM

Tôi yêu quý Huỳnh Minh Hiệp vì anh là một người còn trẻ nhưng rất yêu thích cổ vật, có tấm lòng gìn giữ di sản văn hóa dân tộc trước vấn nạn "chảy máu" cổ vật ra nước ngoài.

Các bộ sưu tập của Hiệp rất "độc lạ". Anh xứng đáng là nhân vật nổi bật trong số rất nhiều người yêu quý, bảo vệ hồn cốt của Sài Gòn xưa và TP HCM ngày nay.

Lần khác, ông Hiệp ngủ mê mà quên khóa cửa nhà. Kẻ trộm đã lẻn vào lấy nhiều tài sản, trong đó có chiếc ba lô đựng bộ sưu tập tiền cổ. Giật mình tỉnh dậy, ông vội chạy theo thì thấy chiếc ba lô bị vứt ở đầu hẻm.

"Vì ba lô quá nặng, tên trộm không biết được giá trị bộ sưu tập tiền cổ nên vứt lại. Lần ấy tôi mất 1 máy chụp ảnh, 2 chiếc điện thoại nhưng lại mừng khôn xiết bị bộ sưu tập tiền còn nguyên. Nói thật, không ai bị mất trộm mà lại mừng như tôi" - ông Hiệp nhớ lại.

Để mọi người cùng chiêm ngưỡng

Ông Huỳnh Minh Hiệp bộc bạch từng món đồ được ông dày công tìm kiếm, sưu tầm nên chưa bán món nào, song ông lại đem tặng nhiều bảo tàng. Ông cũng tham gia nhiều chương trình triển lãm mà không màng đến lợi ích vì những chương trình này mang tính văn hóa, nhân văn.

Kỷ lục gia

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và ông Huỳnh Minh Hiệp tại không gian Sài Gòn xưa tái hiện trong dịp Tết Quý Mão 2023

Tết Quý Mão 2023, ông Hiệp đã đưa cả kho hiện vật đến tái hiện không gian Sài Gòn xưa tại nhiều nơi ở TP HCM. Trong đó, không gian Sài Gòn xưa tại Văn phòng Thành ủy TP HCM - nơi tổ chức sự kiện đón gần 1.000 kiều bào - đã để lại rất nhiều ấn tượng đối với lãnh đạo thành phố, nhất là kiều bào. "Nghe kiều bào nhận xét không gian Sài Gòn xưa thật đẹp và thành phố có thư khen "bổn tiệm", vậy là tôi vui rồi"- ông khoe.

Kỷ lục gia

Ông Huỳnh Minh Hiệp cùng diễn viên Kim Tuyến

Để mọi người đều có thể chiêm ngưỡng những hiện vật Sài Gòn xưa, ông Hiệp và diễn viên Kim Tuyến quyết định mở quán cà phê Lúa. Năm 2018, ông cùng diễn viên Kim Tuyến đi tìm mặt bằng khắp nơi. Sau gần một năm, quán Lúa ra đời. Năm 2020, quán dời sang đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM với diện tích gần 1.000 m2, là nơi đặt hơn 5.000 hiện vật xưa cũ.

Kỷ lục gia

Kỷ lục gia

Kỷ lục gia

Kỷ lục gia

Một số hình ảnh về Sài Gòn xưa được ông Hiệp lưu giữ tại quán cà phê Lúa

Tùy công dụng, ý nghĩa của các hiện vật, ông Hiệp sắp xếp trong những không gian khác nhau như phòng khách, phòng nhạc, nhà bếp, quầy bar... Quán của ông được rất nhiều đoàn phim, ca sĩ đến quay phim vì có những hình ảnh độc đáo, hiếm nơi nào có được.

Kỷ lục gia

Một cảnh trong phim "Ra biển lớn" của Đài Truyền hình TP HCM (TFS) quay lại quán Lúa

Không chỉ trưng bày trong quán của mình, ông Hiệp còn đưa nhiều hiện vật đến các buổi triển lãm để nhiều người cùng chiêm ngưỡng. Những bộ sưu tập của ông còn đến với sinh viên các trường đại học và học sinh tiểu học, trung học tại TP HCM và các tỉnh, thành. "Những hiện vật trở nên giá trị hơn khi chúng được nhiều người biết đến, thay vì nằm trong kho như trước đây" - ông Hiệp bày tỏ.

Kỷ lục gia

Kỷ lục gia

Kỷ lục gia

Một số hình ảnh về Sài Gòn xưa được ông Hiệp lưu giữ tại quán cà phê Lúa

Đến nay, dù mẹ, vợ và 2 con đã định cư ở nước ngoài nhưng ông Hiệp không đi cùng họ. Ông vẫn ở lại Việt Nam để giữ gìn và mang bộ sưu tập mình đi khắp nơi để mọi người chiêm ngưỡng. Nhà sưu tập 52 tuổi bộc bạch: "Tôi yêu Sài Gòn – TP HCM và tôi muốn các thế hệ sau cũng yêu Sài Gòn - TP HCM như mình".

Tôi là khách ruột của quán Lúa. Dịp Tết, tôi càng thích đến quán hơn vì những hiện vật ở đây giúp tôi gợi nhớ về một quá khứ lớn lên ở thành phố, cùng gia đình có những cái Tết sum vầy"
(ông Trần Văn Dũng; ngụ quận 5, TP HCM)
Kỷ lục gia