Khủng hoảng biển Đỏ: Vì sao Mỹ không “triệt” Houthi?

(NLĐO) - Ả Rập Saudi nằm trong số các quốc gia vùng Vịnh bày tỏ lo ngại và thậm chí là tránh xa các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Houthi ở Yemen.

Kịch bản Houthi hoặc một số nhóm nhỏ thuộc lực lượng này nhắm mục tiêu vào các lợi ích của Mỹ trên bán đảo Ả Rập có thể châm ngòi chuỗi diễn biến cực kỳ nguy hiểm và một cuộc xung đột khó có thể ngăn chặn.

Tự vệ chứ không gây chiến

Các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, bao gồm thủ đô Sana'a, bắt đầu vào ngày 11-1 và tập trung vào các kho bãi, radar và hệ thống phòng thủ tên lửa của Houthi. 

Kể từ tháng 2, chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng" do Mỹ dẫn đầu đã tấn công hơn 230 mục tiêu của Houthi tại Yemen nhằm hạn chế sức mạnh quân sự của nhóm này.

Hôm 17-1, Mỹ đưa Houthi vào lại danh sách Tổ chức khủng bố toàn cầu đặc biệt (SDGT). Nhà Trắng lập luận các vụ tập kích tàu hàng cùng tàu quân sự Mỹ được xem là hành vi tấn công nước Mỹ. Tuy nhiên, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố Mỹ không định mở rộng chiến dịch.

Khủng hoảng biển Đỏ: Vì sao Mỹ không “triệt” Houthi?- Ảnh 1.

Các kỹ thuật viên nạp vũ khí lên máy bay trước đợt tấn công ngày 24-2 nhằm vào Houthi ở Yemen. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Ông Neve Gordon, giáo sư luật quốc tế và nhân quyền tại Trường ĐH Queen Mary (Anh), cho rằng theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nếu một tàu, dù là thương mại hay quân sự, mang cờ Mỹ bị tấn công thì Mỹ có thể đáp trả để tự vệ.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: "Mỹ không thể bảo vệ các tàu thương mại mang cờ nước khác và bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ vào các mục tiêu của Houthi do Houthi tấn công một tàu không phải của Mỹ đều vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Ông Mick Mulroy, cựu Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Trung Đông của Mỹ, nhận định với Yahoo News rằng: "Houthi đã lôi kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu có khả năng kéo dài nhưng Mỹ không có nhiều lựa chọn".

Ông không nghĩ Mỹ đang trên bờ vực chiến tranh với Houthi. Theo ông, Mỹ không muốn thấy cuộc xung đột leo thang trong khu vực nhưng điều đó không phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. 

Ông Mulroy lập luận Iran là nguyên nhân đằng sau tất cả những hành động thận trọng của Mỹ trong khu vực. Lực lượng Houthi không có khả năng tự sản xuất thiết bị tự hành trên biển và tàu ngầm không người lái, vốn khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn so với máy bay không người lái và tên lửa chống hạm. Ông Mulroy cho rằng những thiết bị này có thể đến từ Iran.

Khủng hoảng biển Đỏ: Vì sao Mỹ không “triệt” Houthi?- Ảnh 2.

Tàu True Confidence bị tên lửa của Houthi tấn công ở phía tây Vịnh Aden ngày 6-3. Ảnh: Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ

Xung đột lợi ích với đồng minh

Tuy được tiến hành với mục đích bảo vệ tự do hàng hải song hoạt động quân sự của Mỹ nhằm vào Houthi cũng không nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia ở khu vực.

Ngoài Bahrain, Úc, Canada và Hà Lan, các nước có trong liên minh biển Đỏ do Mỹ thành lập không tham gia trực tiếp các cuộc không kích của Mỹ - Anh nhằm vào Houthi. 

Các thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng từ chối gia nhập. Hầu hết trong số này đều bày tỏ lo ngại về sự leo thang của cuộc tấn công từ Washington và London.

Ngay cả trước ngày 11-1, thời điểm bắt đầu cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Houthi ở Yemen, một số quan chức Ả Rập vùng Vịnh đã lên tiếng cảnh báo. 

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nhấn mạnh nước này chưa bao giờ xem hành động quân sự là một giải pháp. 

Còn Oman, quốc gia thường đóng vai trò trung gian hòa giải và cân bằng địa chính trị trong khu vực, chỉ trích hành động quân sự của các đồng minh phương Tây và cảnh báo cuộc tấn công của Mỹ - Anh có nguy cơ làm tình hình Trung Đông tồi tệ hơn.

Khủng hoảng biển Đỏ: Vì sao Mỹ không “triệt” Houthi?- Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu của không quân Hoàng gia Anh chuẩn bị tấn công lực lượng Houthi ngày 24-2. Ảnh: Reuters

Lo ngại của Ả Rập Saudi

Theo ông Aziz Alghashian tại Trường ĐH Lancaster (Anh), Ả Rập Saudi lo ngại và có lý do chính đáng. Ông cho rằng chính quyền nước này muốn tránh bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực và quốc tế. 

Thêm nữa, Ả Rập Saudi muốn duy trì lệnh ngừng bắn vốn đã kéo dài gần hai năm với Houthi. Nước này cũng quyết tâm đảm bảo thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran - được Oman, Iraq và Trung Quốc làm trung gian vào tháng 3 năm ngoái - không chệch hướng. 

Quan điểm của Riyadh cho rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ - Anh có nguy cơ phá hoại cả hai lợi ích nói trên.

Ông Mehran Kamrava, giáo sư tại Trường ĐH Georgetown (Qatar), lý giải rằng Ả Rập Saudi lo ngại xung đột leo thang trên biển Đỏ sẽ khiến Iran và Houthi xích lại gần nhau hơn và Iran sẽ can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của lực lượng này. 

Quan trọng không kém, giới lãnh đạo Ả Rập Saudi muốn ưu tiên Tầm nhìn 2030 - chương trình đa dạng hóa kinh tế đầy tham vọng của nước này. Sự thành công của chương trình này đòi hỏi sự ổn định ở Ả Rập Saudi và khu vực lân cận. Ả Rập Saudi sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất nếu các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi kéo dài.

Khủng hoảng biển Đỏ: Vì sao Mỹ không “triệt” Houthi?- Ảnh 4.

Quan chức Iran và Ả Rập Saudi đồng ý nối lại quan hệ sau đàm phán do Trung Quốc làm trung gian hồi năm 2023. Ảnh: Reuters

Theo ông Giorgio Cafiero, nhà sáng lập Gulf State Analytics, một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị tại Mỹ, để đảm bảo việc Houthi không tiếp tục các cuộc tấn công chống lại Ả Rập Saudi, Riyadh đã cố gắng tránh xa các cuộc tấn công quân sự của Mỹ và Anh ở Yemen. 

Tuy nhiên, do có sự tham gia của Bahrain trong liên minh của Mỹ dù chỉ trên danh nghĩa, cũng như mối quan hệ bình thường hóa của nước này với Israel, khả năng Houthi nhắm vào Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ có trụ sở tại Bahrain là không thể tránh khỏi. 

Việc bảo vệ an ninh cho Bahrain là ưu tiên hàng đầu đối với Ả Rập Saudi và các quốc gia GCC khác, một kịch bản như vậy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của Riyadh.

Thế khó của Mỹ

Một số chuyên gia cho rằng bằng cách đáp trả cuộc tấn công của Houthi, Mỹ đã mang lại cho nhóm này chính xác điều mà họ muốn là một cuộc chiến. Giới chuyên gia nhận định hiện tại Mỹ đang ở thế khó với lực lượng Houthi bất chấp các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể mở ra cơ hội dập tắt tình trạng thù địch ở biển Đỏ.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen Gerald Feierstein nói với Yahoo News: "Cách giải quyết vấn đề này đối với Mỹ là nan giải. Mỹ vẫn chưa có chiến lược nào thực sự tốt để chấm dứt điều này ngoại trừ kết thúc xung đột ở Gaza".