Giáp mặt “quốc thú” Indonesia

Với người Indonesia, rồng không phải là sinh vật hư cấu trong truyền thuyết mà có thật, thậm chí còn được xem như "quốc thú" của đất nước.

Loài rồng này sinh sống trên một số hòn đảo tại Indonesia, nhiều nhất là Komodo ở phía Đông. Vì thế, các nhà khoa học đã đặt tên chúng theo tên hòn đảo.

Rồng Komodo có gien tương đồng với loài khủng long đã tuyệt chủng. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nhờ sống tách biệt trên các đảo, rồng Komodo được bảo vệ khá tốt. Dù vậy, Sách Đỏ của IUCN năm 2021 đã xếp chúng vào nhóm "nguy cấp", có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, Indonesia được cho là còn khoảng 3.500 rồng Komodo.

Vườn Quốc gia Komodo là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Không chỉ là "vương quốc" rồng Komodo, nơi này còn có thảm thực vật phong phú, có bãi biển màu hồng độc đáo, có rạn san hô đẹp hút hồn…

Vườn Quốc gia Komodo của Indonesia nằm giữa các đảo Sumbawa và Flores, bao gồm 3 đảo lớn là Komodo, Padar, Rinca và 26 đảo nhỏ. Năm 2019, một du khách vì tiết kiệm tiền nên tự thuê ca nô từ thị trấn Labuan Bajo ra đảo Komodo. Do tự tham quan không ai hướng dẫn, du khách này đã bị rồng Komodo tấn công. Từ đó, chính quyền Indonesia bắt buộc du khách đến tham quan Vườn Quốc gia Komodo phải đăng ký đi kèm hướng dẫn viên.

Gần như khách sạn nào ở khu vực này cũng đều có dịch vụ du lịch khám phá, chụp ảnh cùng rồng Komodo với chi phí hơn 2 triệu đồng. Để chiêm ngưỡng loài vật độc đáo này, du khách buộc phải khai báo và đăng ký thủ tục trước khi đặt chân lên đảo.

Giáp mặt “quốc thú” Indonesia- Ảnh 1.

Rồng Komodo tại Vườn Quốc gia Komodo

Từ 7 giờ sáng, du khách được công ty du lịch đưa đến bến cảng rồi lên ca nô, mỗi chiếc 10-15 người, di chuyển ra đảo. Mỗi người được trang bị một cây gậy nhằm "xử lý tình huống" nếu rồng Komodo đột nhiên trở nên hung bạo.

Để tiếp cận, quan sát rồng Komodo, mọi người tản bộ trong rừng ít nhất 10 km. Do đó, du khách được khuyến cáo phải bảo đảm sức khỏe tốt để có thể đi bộ qua đoạn đường khá dài này.

Theo cảnh báo, rồng Komodo là loài vật nguy hiểm, có khả năng tấn công con người. Vì vậy, cứ 2 du khách lại có một nhân viên vườn quốc gia đi kèm để hướng dẫn. Dù vậy, nếu giữ đúng khoảng cách, du khách có thể chụp ảnh với loài "quái vật" này.

Khác với những gì nhiều người mường tượng về loài rồng - đầu có bờm và râu dài, thân có vảy cá chép, chân có móng vuốt đại bàng… - rồng Komodo đơn giản trông giống thằn lằn khổng lồ, có thể nặng hơn 150 kg và dài gần 3m. Tưởng chừng với thân hình đồ sộ, rồng Komodo sẽ kém linh hoạt nhưng địa hình nào chúng cũng có thể di chuyển được.

Con rồng Komodo đầu tiên mà chúng tôi gặp có kích thước hơn 2 m. Nó nằm bất động như giả chết, phơi mình tựa khúc gỗ khô. Thế nhưng, hễ thấy con người hay loài vật nào đi ngang qua, nó liền nhổm dậy như chực chờ tấn công.

Trước khi muốn lại gần chụp ảnh với rồng Komodo, du khách phải đợi nhân viên vườn quốc gia kiểm tra xem chúng đã được ăn no chưa. Nếu chúng còn đói thì ý định chụp ảnh "check in" hay "selfie" đành hủy bỏ và du khách phải di chuyển sang nơi khác.

Giáp mặt “quốc thú” Indonesia- Ảnh 2.

Anh Agung đưa du khách tìm gặp những chú rồng Komodo

Chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi đã giáp mặt 6 con rồng Komodo trưởng thành. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được phép chụp ảnh 4 con vì 2 con còn lại đang vào mùa sinh sản, rất dễ bị kích động và hung dữ. Một số nhóm du khách trong lúc lại gần thì rồng Komodo "tỉnh ngủ", ngóc đầu lên khiến mọi người bỏ chạy tán loạn...

Anh Agung, nhân viên bảo tồn Vườn Quốc gia Komodo, khẳng định du khách đi theo đoàn chưa lần nào bị rồng Komodo tấn công. Có thời điểm trong năm, du khách chỉ có thể ngắm nhìn và chụp ảnh từ xa, không thể tiếp cận chúng.

"Rồng Komodo có khả năng giết chết một con trâu đang chạy nhanh và có thể gây sát thương gần như loài cá sấu. Bất chấp điều ấy, du khách đến đây ngày càng nhiều để được trải nghiệm cảm giác nguy hiểm và chứng kiến loài vật mà trước đó, họ chỉ thấy trong phim ảnh, sách báo" - anh Agung cho biết.

Thực ra, anh Agung tiết lộ du khách chỉ tiếp xúc với những con rồng Komodo đã được chọn lọc. Đó là những con đã được thuần dưỡng và thường xuyên tiếp xúc con người nên khá lành tính.

Đến "vương quốc" rồng Komodo, có lúc chúng tôi bắt gặp chúng nằm im lìm trên bãi cát khô cằn như sa mạc, khi lại trèo lên những cây cao chờ săn bắt chim chóc hay lặn ngụp dưới nước như cá sấu. Nhân viên ở đây cho biết thức ăn ưa thích của chúng là hươu, nai, bò, trâu…

"Thứ mà rồng Komodo mê nhất là… thịt đồng loại. Tại vườn quốc gia luôn có nhân viên theo dõi và ngăn chặn việc chúng ăn thịt lẫn nhau. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn xảy ra chuyện con lớn tấn công con bé. Điều này cũng góp phần khiến rồng Komodo tiến sát hơn đến bờ vực tuyệt chủng" - một nhân viên lo ngại.

Trước đây, người dân bản địa phải đối mặt, thậm chí nhiều khi xảy ra "cuộc chiến" với rồng Komodo. Bởi lẽ, chúng thỉnh thoảng lại đến phá hoại vườn tược và người

dân phải tìm cách xua đuổi. Từ khi Vườn Quốc gia Komodo được thành lập và du lịch phát triển, chính quyền đã xây dựng hàng rào, kiểm đếm và kiểm soát chặt chẽ số lượng rồng Komodo nên hai bên không còn "xung đột" với nhau.

Nhiều người sống ở các hòn đảo có rồng Komodo hiện diện vốn bị kết án tù và đẩy ra đây lao động cải tạo. Giờ đây, họ được hưởng lợi từ "quốc thú" này nhờ việc bán hàng thủ công mỹ nghệ hay kinh doanh các dịch vụ liên quan du lịch.

Rồng Komodo được đánh giá là loài vật đáng sợ. Chúng có bộ răng cực khỏe và nước bọt chứa nhiều vi khuẩn gây hại, khi cắn khiến vết thương nhiễm trùng và hoại tử, dẫn đến chết. Dù vậy, những con rồng Komodo mà đoàn du khách chúng tôi giáp mặt khá hiền hòa. Điều đó giải thích vì sao hằng năm, trên 100.000 người đã đổ về Vườn Quốc gia Komodo để chiêm ngưỡng một trong những loài vật hiếm hoi nhất thế giới này.

Giáp mặt “quốc thú” Indonesia- Ảnh 3.