Động đất Đài Loan: Vì sao nhà cao tầng chỉ nghiêng 45 độ, không sập hẳn?

(NLĐO) – Thiệt hại từ những trận động đất lớn ở Đài Loan (Trung Quốc) phần lớn được giảm thiểu nhờ khả năng ứng phó động đất tuyệt vời của hòn đảo này, giới chuyên gia khẳng định với hãng tin AP ngày 4-4.

Đài Loan ngày 3-4 hứng chịu trận động đất mạnh nhất trong 25 năm. Ít nhất 9 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương trong bối cảnh nhà cửa và đường cao tốc thiệt hại nặng nề.

Khả năng ứng phó động đất đẳng cấp thế giới

Trận động đất mạnh 7,2 độ khiến nhiều tòa cao ốc ở TP Hoa Liên hư hại, song chỉ gây tổn thất không đáng kể ở TP Đài Bắc dù tác động của nó được cảm nhận mạnh mẽ tại đây.

Động đất diễn ra vào giờ cao điểm buổi sáng nhưng chỉ khiến lịch trình của người dân Đài Bắc bị xáo trộn nhẹ. Chỉ sau vài phút, phụ huynh lại có thể đưa con đến trường trong khi người lao động lái xe đến công ty.

"Đài Loan có khả năng ứng phó động đất hàng đầu thế giới. Hòn đảo này có quy định nghiêm ngặt về xây dựng, một mạng lưới phòng chống địa chấn đẳng cấp thế giới và thường xuyên triển khai chiến dịch giáo dục cộng đồng quy mô lớn về an toàn động đất" – chuyên gia Stephen Gao của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ) khẳng định.

Động đất Đài Loan: Vì sao nhà cao tầng chỉ nghiêng 45 độ, không sập hẳn?- Ảnh 1.

TP Hoa Liên sau trận động đất hôm 3-4. Ảnh: AP

Những tòa nhà nghiêng 40 độ nhưng không đổ sập.... Ảnh: AP

Những tòa nhà nghiêng 40 độ nhưng không đổ sập.... Ảnh: AP

...và vẫn giữ được hình dạng, kết cấu. Ảnh: AP

...và vẫn giữ được hình dạng, kết cấu. Ảnh: AP

Cập nhật về động đất ở Đài Loan (Trung Quốc), còn khả năng rung chấn

Chính quyền Đài Loan sẵn sàng trợ cấp để người dân kiểm tra năng lực chống chọi động đất của nhà ở của họ. Chủ của những tòa nhà không đạt chuẩn sẽ phải cải tạo chúng để đảm bảo an toàn, theo báo Washington Post.

Sau một trận động đất vào năm 2016 ở TP Đài Nam, 5 cá nhân liên quan đến tòa nhà 17 tầng bị sập khiến hàng chục người thiệt mạng đã bị bắt giữ. Đây là công trình lớn duy nhất sụp đổ trong trận động đất nêu trên và nhóm người này bị tuyên án tù giam vì làm việc "thiếu trách nhiệm".

Ổ cao su "thần kỳ"

Theo các nhà nghiên cứu, khả năng chống chọi động đất của nhà là yếu tố then chốt quyết định kết quả của một trận động đất.

Nhà ở Đài Loan dường như được xây bằng bê tông cốt thép và có cột rất đặc, theo chuyên gia Konstantinos Tsavdaridis của Trường ĐH London (Anh). 

Tại khu vực có hoạt động địa chấn, những tòa nhà quan trọng nhất đều có ổ cao su, ông cho biết thêm.

Động đất Đài Loan: Vì sao nhà cao tầng chỉ nghiêng 45 độ, không sập hẳn?- Ảnh 4.

Ổ cao su thường được sử dụng ở các công trình chống động đất. Ảnh: Rubber Techy

Ổ cao su, thường bao gồm các lớp cao su và thép, đóng vai trò là lớp cách ly địa chấn giữa cấu trúc thượng tầng và móng nhà.

Khi động đất xảy ra, chúng hấp thụ phần lớn lực tác động mà các tòa nhà phải hứng chịu để bảo vệ cấu trúc chính của nhà.

Trận động đất ở Đài Loan khiến một số tòa nhà bị nghiêng nhưng không sập hoàn toàn, nhiều khả năng nhờ "tầng mềm" ở tầng trệt. Ở những tòa nhà này, tầng trên gần như không bị ảnh hưởng trong khi tầng trệt chí ít bị sập một phần.

"Chúng không sập mà chỉ nghiêng 45 độ. Các cột ở tầng trệt của những tòa nhà này không được trám bít chỗ hở. Chúng cũng không được tường chịu lực hỗ trợ như các cột ở tầng trên" – ông Tsavdaridis cho hay.

Kinh nghiệm xương máu

Tại Đài Loan, hoạt động diễn tập động đất thường xuyên được tổ chức ở trường học và công sở, trong khi phương tiện truyền thông đại chúng và điện thoại di động liên tục cập nhật tin tức về động đất.

"Những biện pháp này củng cố đáng kể khả năng phục hồi sau động đất của Đài Loan, đồng thời làm giảm thiểu rủi ro thiệt hại thảm khốc về tài sản và nhân mạng" – ông Gao nói thêm.

Lực lượng tìm kiếm và  cứu hộ tại một tòa nhà bị sập ở TP Hoa Liên hôm 3-4. Ảnh: AP

Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ tại một tòa nhà bị sập ở TP Hoa Liên hôm 3-4. Ảnh: AP

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân bên trong những tòa nhà hư hại. Ảnh: Reuters

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân bên trong những tòa nhà hư hại. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, chuyên gia Harold Tobin của Trường ĐH Washington (Mỹ) khẳng định "hệ thống cảnh báo sớm hiện đại" cũng là một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng an toàn của vùng lãnh thổ này.

Hệ thống này dựa vào mạng lưới thiết bị địa chấn trên toàn đảo. Khi một trận động đất lớn xảy ra, hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại của người dân và tự động cắt chương trình truyền hình trực tiếp để đảm bảo cảnh báo được gửi đến toàn dân.

Kể từ năm 1980, Đài Loan và các vùng biển xung quanh ghi nhận khoảng 2.000 trận động đất mạnh 4,0 độ trở lên và hơn 100 trận động đất có cường độ trên 5,5, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.

Trận động đất tồi tệ nhất mà hòn đảo này phải hứng chịu diễn ra vào năm 1999, khi hơn 2.400 người thiệt mạng và khoảng 100.000 người bị thương.

Động đất Đài Loan: Vì sao nhà cao tầng chỉ nghiêng 45 độ, không sập hẳn?- Ảnh 7.

Ít nhất 9 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,2 độ ngày 3-4. Ảnh: SCMP

Những khoảnh khắc đáng sợ trong động đất Đài Loan (Trung Quốc)

Trận động đất mạnh 7,7 độ nêu trên là lời cảnh tỉnh đối với chính quyền Đài Loan, dẫn đến hàng loạt cải cách hàng chính then chốt để cải thiện năng lực ứng phó khẩn cấp và giảm nhẹ thiên tai.

Theo chuyên gia Larry Syu-Heng Lai của Trường ĐH Wasington (Mỹ), Đài Loan củng cố năng lực phòng chống động đất thông qua một quá trình dài hơi, đòi hỏi giáo dục công chúng cũng như niềm tin đối với chính quyền và khoa học.

"Chúng tôi mất 25 năm để đạt được mức độ hiện tại" – vị chuyên gia sinh trưởng tại Đài Loan khẳng định.

Động đất Đài Loan: Vì sao nhà cao tầng chỉ nghiêng 45 độ, không sập hẳn?- Ảnh 8.

Động đất xảy ra vào khoảng 8 giờ (giờ địa phương) ngày 3-4. Ảnh: SCMP