Công bố sốc về bệnh ung thư: Những tia sáng hy vọng

(NLĐO) - Vắc-xin ngừa và trị những loại ung thư mới - thậm chí nhiều loại ung thư cùng lúc - là một tham vọng đang tiến dần đến hiện thực.

Hôm 14-2, bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Công nghệ tương lai ở Moscow - Nga lập tức nhận được sự quan tâm khắp thế giới khi ông tuyên bố các nhà khoa học nước này đã tiến gần đến việc tạo ra vắc-xin ung thư.

1. Vắc-xin điều trị ung thư cá nhân hóa

"Chúng tôi đã tiến rất gần đến việc tạo ra cái gọi là vắc-xin ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới. Tôi hy vọng chúng sẽ sớm được sử dụng một cách hiệu quả như các phương pháp trị liệu cá nhân" - ông Putin nói.

Công bố sốc về bệnh ung thư: Những tia sáng hy vọng- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ tương lai ở Moscow - Nga hôm 14-2 - Ảnh: REUTERS

Điều đó gợi ý đến đường đua chung của nhiều quốc gia và công ty khác trong việc tạo ra vắc-xin điều trị ung thư.

Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (CRI), vắc-xin ung thư phức tạp hơn các vắc-xin ngừa bệnh khác vì nhiều lý do.

Không giống như vi khuẩn và virus là kẻ "ngoại xâm", tế bào ung thư gần giống tế bào bình thương nên không dễ phát hiện. Ngoài ra, khối u của mỗi cá nhân - theo một nghĩa nào đó - là duy nhất và có các kháng nguyên riêng biệt.

Cá nhân hóa vắc-xin ung thư, tức xây dựng vắc-xin riêng cho mỗi bệnh nhân dựa trên chính tế bào bệnh của họ, là con đường mà các nhà nghiên cứu khắp thế giới đang hướng tới.

Đó không phải hoàn toàn là một màn sương hư ảo. Một trong 2 loại vắc-xin điều trị ung thư được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt là Sipuleucel-T (Provenge) là ví dụ.

Sipuleucel-T (Provenge) dựa trên trên tế bào đuôi gai - một loại tế bào miễn dịch - của chính bệnh nhân, được điều chỉnh, kích thích để tấn công hiệu quả các tế bào ung thư. Nó đã được triển khai để sử dụng cho các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt ở Mỹ.

Công bố sốc về bệnh ung thư: Những tia sáng hy vọng- Ảnh 2.

Sipuleucel-T (Provenge) - Ảnh: CLINICAL TRIALS ARENA

Thế nhưng, danh sách các loại ung thư rất dài và trong mỗi loại còn có những dạng khác nhau, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để các loại ung thư khác cũng có thể được can thiệp bởi vắc-xin.

2. Đi tìm trong chính cơ thể

Xuất phát từ việc khối u ung thư ở các bệnh nhân là thứ gì đó rất riêng biệt, nhiều nhà nghiên cứu khắp thế giới đã đi tìm "chìa khóa" hóa giải ung thư trong chính cơ thể người bệnh.

Chúng ta có vắc-xin HPV ngừa loại virus gây ung thư cổ tử cung, đầu và cổ, hậu môn, âm đạo, dương vật... Nhưng với người đã chạm tới ngưỡng ung thư thì chưa.

Một phát hiện năm 2009 từ hai nhà nghiên cứu Sjoerd van der Burg và Cornelis Melief (thuộc Đại học Leiden - Hà Lan) có thể thay đổi điều đó.

Họ phát hiện một loại vắc-xin bao gồm các peptide dài của HPV có thể tạo ra phản ứng hoàn toàn bền vững ở những phụ nữ tiền ung thư âm hộ do HPV-16+.

Một số nghiên cứu khác thì chỉ ra ở người bệnh ung thư, đơn giản là có cái gì đó vốn bình thường đã bị biến đổi, từ đó sinh ra các tế bào ung thư hoặc làm ung thư trở nên kháng trị.

Theo CRI, đó có thể là protein NY-ESO-1, có trong cơ thể chúng ta từ trước khi chào đời, nhưng biểu hiện bất thường ở bệnh ung thư; hay telomerase, một loại enzyme vốn rất bình thường, giúp duy trì sức khỏe DNA tế bào, nhưng bị tế bào ung thư khai thác để chúng trở nên "bất tử"..

Tìm hiểu về những khác biệt tinh vi ngay trong chúng ta là con đường mà các nhà khoa học đang theo đuổi với hy vọng tạo ra một loại vắc-xin tận dụng chính các chiếc chìa khóa có sẵn này.

3. Hy vọng từ vắc-xin mRNA?

Vắc-xin mRNA đã tạo đột phá lớn trong đại dịch COVID-19, khi giúp sản xuất ra vắc-xin chống lại SARS-CoV-2 với tốc độ chưa từng có nhờ không đòi hỏi nuôi cấy tế bào phức tạp như các phương pháp sản xuất vắc-xin tiền nhiệm.

Nobel Y sinh 2023 đã vinh danh hai nhà khoa học làm việc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) là GS-TS Katalin Karikó và TS-BS Drew Weissman vì điều đó, và không chỉ có vậy!

Công bố sốc về bệnh ung thư: Những tia sáng hy vọng- Ảnh 4.

GS-TS Katalin Karikó và TS-BS Drew Weissman - Ảnh: ĐẠI HỌC PENNSYLVANIA

Hai người đã là cộng sự trong nhiều thập kỷ để khai phá miền đất hứa của vắc-xin mRNA, do đó họ có sẵn công nghệ nền tảng để tạo ra vắc-xin ngừa COVID-19.

Nhưng tham vọng chính của họ là dùng công nghệ này để tạo ra vắc-xin "pan-coronavirus" chống lại mọi chủng virus corona nguy hiểm bao gồm cả SARS năm 2003, MERS... và có thể là cả những virus tương lai, cũng như tạo ra vắc-xin ung thư.

Theo bài giới thiệu của Đại học Pennsylvania, hai vị chủ nhân Nobel Y sinh này đang hợp tác cùng các đồng nghiệp trong lĩnh vực ung thư để tạo ra vắc-xin mRNA điều trị ung thư.

Bước đầu, họ đã phát hiện vắc-xin mRNA có khả năng tăng cường sức mạnh của tế bào T tự nhiên trong cơ thể người, từ đó giúp tế bào miễn dịch quan trọng này đủ sức đánh bại ung thư.

Tất cả đang nằm trong giai đoạn nghiên cứu, song với những gì nhân loại đã đạt được, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào tương lai.

Theo Reuters, một số quốc gia và công ty khác trên khắp thế giới đang nghiên cứu vắc-xin điều trị ung thư.

Năm 2023, chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với hãng dược BioNTech (trụ sở chính tại Đức) để triển khai các thử nghiệm lâm sàng cung cấp "các phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa" nhằm tiếp cận 10.000 bệnh nhân vào năm 2030.

Công bố sốc về bệnh ung thư: Những tia sáng hy vọng- Ảnh 5.

Một kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc-xin mRNA - Ảnh: BIONTECH/NIH

Các công ty dược Moderna và Merck của Mỹ đang phát triển một loại vắc-xin ung thư thử nghiệm; trong đó nghiên cứu giai đoạn giữa cho thấy đã giảm một nửa nguy cơ tái phát hoặc tử vong do ung thư hắc tố - loại ung thư da nguy hiểm nhất - sau 3 năm điều trị.

Công bố sốc về bệnh ung thư: Những tia sáng hy vọng- Ảnh 6.