Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn

(NLĐO) - Đây là một gã lang bạt kỳ hồ, lên voi xuống chó. Hồi Hưng còn bé, cha có mẹ kế bỏ đi, Hưng phải chăm sóc mẹ và một thân dựng nghiệp, nghề nào cũng làm.

Tôi cả đời làm chữ tích cóp khi về hưu làm được một khu nhà vườn, có nhà thờ, nhà ngang, nhà mát … bằng gỗ. Lòng cứ khao khát có một cái nhà sàn Tây Nguyên cho khu nhà vườn thêm phong phú.

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 1.

Kết tình anh em từ thú mê nhà gỗ

Thế rồi chuyện cũng đến. Cách đây bốn năm, có một gã tên Nguyễn Văn Hưng, quê ở tỉnh Thái Nguyên, điện thoại cho tôi bảo: "Em đang làm nhà gỗ ở An Giang. Em sang anh chơi nhé!".

Tôi và gã chưa hề gặp mặt quen biết, gã điện thoại cho tôi vì biết tôi là nhà văn lại có khu nhà gỗ và có máu mê gỗ. Tôi mê gỗ, tập tành chơi gỗ từ trẻ, đầu tiên là chơi vật dụng gỗ, sau đó chơi nhà gỗ. Có ai bảo ở cách 100 km có một tấm gỗ quý, tôi cũng mò sang xem bằng được. 

Tôi nhận lời đón tiếp Nguyễn Văn Hưng vì gã là một tay buôn nhà gỗ cũ. Tôi đánh xe ra tận bến xe để đón gã và rước về nhà rồi đối xử như một thượng khách. Tôi quý Nguyễn Văn Hưng bởi hai lẽ, một là cùng thú đam mê gỗ, hai là khuôn mặt gã đầy phong trần, khuôn mặt này thì cay đắng ngọt bùi đều nếm trải. Con người như thế thì sẽ phóng khoáng, hào hiệp, rất trọng tình nghĩa.

Từ đó, tôi và Nguyễn Văn Hưng trở thành anh em kết nghĩa, mặc dù chênh nhau rất nhiều tuổi. Mỗi năm ra Hà Nội một hai lần, Hưng đều đánh xe gần 100 km rước tôi về nhà chơi. Càng chơi với người này, tôi càng phát hiện nhiều điều thú vị. Đây là một gã lang bạt kỳ hồ, lên voi xuống chó. 

Hồi Hưng còn bé, cha có mẹ kế bỏ đi, Hưng phải chăm sóc mẹ và một thân dựng nghiệp, nghề nào cũng làm. Nghề đáng nhớ là nghề làm cây công trình, Hưng vào rừng núi mua các loại cây to mang về bán cho các công trình. Có khi lãi cả tỉ, có khi công trình ách tắc, lỗ vài tỉ. Có khi nợ nần bủa vây, Hưng vướng vào đánh đề, cá độ. 

Khi sạt nghiệp, Hưng nằm buồn rồi nghĩ ra một nghề mới, rất đặc biệt. Từ bé, Hưng đã ở vùng rừng núi. Những năm đi buôn cây công trình rong ruổi trong rừng núi, Hưng đã phát hiện nhiều ngôi nhà sàn của các dân tộc miền núi được cất từ thế kỷ trước, cái thời mà gỗ quý Việt Nam còn nhiều. 

Nghề buôn nhà sàn

Những ngôi nhà sàn của các dân tộc miền núi và ngôi nhà kẻ truyền của người Kinh là kiến trúc độc đáo. Một ngôi nhà gỗ quý dù nằm giữa rừng núi hay giữa đồng bằng đều sang trọng và ấm cúng. Nó giữ được ngọn lửa thiêng của núi rừng, cái hồn của bản làng và các thôn ấp xưa. Nhưng cùng với phong trào cất nhà bê tông ở cho tiện dụng, những ngôi nhà sàn vốn là bản sắc của bản làng cứ bị bán tháo dần.

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 2.

Hưng nằm suy nghĩ. Gỗ Việt Nam rất tốt, có loại tuổi thọ có thể tồn tại vài ba trăm năm. Tại sao không mua về phục dựng rồi bán cho các khu du lịch, các khu nhà nghỉ cuối tuần hay nhà thờ với giá chỉ bằng 50% so với gỗ châu Phi và gỗ Lào, Campuchia vốn chất lượng không bằng gỗ Việt Nam và thời gian xử lý không hề thua kém nhà cất bằng gỗ mới?

Nói là làm. Hưng trở thành người phục dựng nhà gỗ ở phía Bắc. Hưng đến các bản làng mua những ngôi nhà cũ về phục dựng, thêm thắt cho nó phù hợp công năng sử dụng và nhu cầu thẩm mỹ của thời đại hôm nay. 

Cứ ba căn nhà thì sửa chữa lại được hai căn. Nghề của Hưng cứ thế phát triển nhanh chóng bởi vì gia đình dòng họ nào càng khấm khá thì nhu cầu thờ tự càng cao. Và cũng đâu có kiến trúc thờ tự nào mà ấm cúng, giữ được hồn phách bằng một ngôi nhà cổ truyền Bắc bộ làm từ gỗ lim để làm từ đường, nhà thờ họ? Cũng như thế, ở các khu du lịch, các nhà nghỉ dưỡng, thậm chí nhà hàng, quán cà phê, người ta rất có nhu cầu sở hữu một ngôi nhà sàn dân tộc.

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 3.

Hưng ngày càng khấm khá thì khó khăn cũng tìm đến. Thấy Hưng làm ăn được, nhiều người nhảy vào làm và từ đó nở rộ phong trào lùng sục mua nhà gỗ đi bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Có nhiều kẻ lừa đảo dối trá xuất hiện. Họ gạ gẫm đồng bào dân tộc để mua rẻ rồi lừa đảo người mua bằng cách gỗ này thì nói gỗ khác. Nhiều người mua bị mắc lừa, cất nhà vài năm thì mục mọt vì lúc sửa nhà họ đã thêm vào gỗ xấu, rẻ tiền và bán lại với giá cao.

Tôi đi mua nhà sàn dân tộc Tày

Tháng 11 vừa rồi, Hưng điện thoại cho tôi: "Em vừa tìm được một ngôi nhà sàn đẹp, anh ra mua về mà dùng". Thế là tôi bay ra, Hưng đánh xe chở tôi từ Thái Nguyên sang huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang rồi vào một bản làng xung quanh là rừng núi trập trùng.

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 4.

Tác giả (ở giữa) trong một ngôi nhà sàn của người Tày

Giống như cái duyên, tôi bước lên căn nhà sàn là vừa bụng ngay. Ngôi nhà sàn vẫn giữ được nguyên gốc nhà của người Tày, trên sàn nhà vẫn còn bếp lửa nghi ngút khói. Tiếp tôi là một gia đình người dân tộc Tày hiền lành và chân thật. Lúc thì nói tiếng Kinh khi lại pha lẫn tiếng Tày. 

Qua câu chuyện của họ, tôi biết được bản này xưa có đến hơn 160 căn nhà sàn thì nay chỉ còn có 6 căn. Đúng là của quý hiếm, tôi mua ngôi nhà này không cần mặc cả. 

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 5.

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 6.

Hưng tổ chức tháo dỡ rồi chở vào Bạc Liêu, lại đưa vào hai ông thợ mộc người Tày làm giúp. Chỉ có họ mới biết cách lắp dựng một ngôi nhà kết cấu và kiên cố vô cùng phức tạp.

Nhà được bào chà, sửa chữa tý là được dựng lên. Khi mua nhà, người chủ nhà vẫn còn lưu giữ cái đơn xin phép khai thác gỗ vào năm 1970. Họ đốn gỗ ba năm mới đủ làm. Như vậy, ngôi nhà đến nay đã 50 tuổi mà khi bào chà ra nó như gỗ mới.

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 7.

Nhà sàn về miền Tây vào Tết

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 8.

Ngôi nhà đã làm cho sân nhà vườn của tôi vừa đẹp vừa sang bởi một kiến trúc dân tộc độc đáo hiện diện trên đất đồng bằng hai mùa mưa nắng của xứ Bạc Liêu.



Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 9.

Chuyện về gã giang hồ đi buôn nhà sàn- Ảnh 10.