xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sinh viên tạt axít thầy từng thi lại... 36 lần

Theo Viễn Sự-Hoàng Tuyết (Pháp Luật TPHCM)

Sự việc không đơn giản như lời khai của sinh viên Trần Xuân Thanh.

img
Trần Xuân Thanh bị bắt giữ ngay sau khi gây án. Ảnh: HT-VS

Số báo hôm qua (26-8), Pháp Luật TP.HCM phản ánh một số thông tin từ lời khai của sinh viên Trần Xuân Thanh. Để cung cấp cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh vụ việc, phóng viên Báo đã về trường tìm hiểu quá trình học tập của sinh viên này và nhận xét, đánh giá của các thầy ở khoa, ở trường. Sự thật không phải hoàn toàn như lời Thanh trình bày.

Trần Xuân Thanh khai trước cơ quan điều tra: “Tạt axít thầy giáo dạy Anh văn chuyên ngành vì nghi bị trù dập”. Lời khai của Thanh rằng “Suốt ba năm ròng cố gắng học tập nhưng lần nào thi lại cũng bị thầy Đặng Hữu Dũng đánh rớt khiến cuối cùng bị sa thải” dễ làm nhiều người có cảm giác Thanh đã bị đẩy đến đường cùng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bảng điểm của Thanh tại khoa Cơ khí đã phủ nhận lời khai này khi bốn năm học chính khóa và ba năm trả nợ, Thanh từng thi lại 36 lần ở rất nhiều môn. Thanh đăng ký học lại môn của thầy Dũng bốn lần nhưng đều không đi học hoặc chỉ đến lớp đôi ba bữa chiếu lệ, thậm chí trong tám lần thi Thanh cũng chỉ dự có ba lần...

Chưa khởi tố vụ án

Liên quan đến vụ việc này, chiều 26-8, thượng tá Phạm Văn Sum, Phó Trưởng Công an quận Thủ Đức, cho biết vẫn chưa khởi tố vụ án như thông tin một số báo đã nêu. Công an đang tiếp tục lấy lời khai của Trần Xuân Thanh để làm rõ động cơ và quá trình chuẩn bị gây án.

 
Tạt axít khi hết đường tốt nghiệp

Cùng với giáo vụ khoa Cơ khí - thầy Lê Đình Quang, chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian mới lọc được kết quả học tập của Thanh bởi từ năm nhất đến năm tư, học kỳ nào Thanh cũng thi lại từ ba đến bảy môn. Anh văn chuyên ngành không phải là môn duy nhất mà có tới 21 môn học Thanh từng phải thi lại hoặc học lại. Đó cũng là lý do vì sao ba năm sau khi mãn khóa Thanh vẫn phải cắp cặp học trả nợ. Như vậy, giả sử có bị “trù dập” ở môn Anh văn chuyên ngành như Thanh ngụy biện thì Thanh cũng không thể ra trường bởi những môn còn nợ khác níu chân.

Riêng môn Anh văn chuyên ngành của thầy Đặng Hữu Dũng, Thanh đã thi bốn lần trong hai năm học cuối và đăng ký học lại bốn lần, thi lại thêm tám lần nữa sau đó nhưng chỉ dự thi ba lần và đều chỉ được ba điểm.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Năng lượng thuộc ĐH Nông Lâm, người đã từng hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của Thanh cũng cho biết Thanh học yếu, phải kêu làm đi làm lại nhiều lần luận văn mới đạt điểm trung bình. Trong quá trình tiếp xúc với thầy giáo hướng dẫn, Thanh lầm lì ít nói và ít bộc lộ tính cách. Đã khá lâu nên thầy Xuân không nhớ và chỉ nhận ra Thanh từ tấm ảnh trên báo. Ông bàng hoàng: “Ba năm ra trường, bản tính hay cuộc đời nhào nặn tôi không rõ nhưng với những gì biết về Thanh, tôi không bao giờ nghĩ em có thể hành động như vậy”.

“Không ai trù dập em ấy cả”

Thầy Xuân nói ở trường cũng có nhiều sinh viên thi lại, học lại nhiều lần như Thanh, có sinh viên nợ môn của ông đến tám lần nhưng vẫn cố gắng học hành. Hành xử như Thanh là quá cá biệt.

Thầy Lê Đình Quang cho biết ngay cả trong trường hợp được thầy Dũng cho qua, Thanh cũng không còn cơ hội được cấp bằng tốt nghiệp. Theo quy chế cũ, sinh viên chỉ có hai năm để trả nợ môn và lấy bằng. Tuy nhiên, đã ba năm khi khóa 28 mãn khóa, Thanh vẫn không trả được môn Anh văn chuyên ngành. Vì vậy, nếu trả được môn này, Thanh cũng chỉ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình chứ không được cấp bằng. “Không ai trù dập em ấy cả, ai nhìn bảng điểm cũng biết em ấy học tệ nên mới không tốt nghiệp” - thầy Quang khẳng định. 

img

img
Bảng điểm của sinh viên Trần Xuân Thanh ở một số học kỳ với rất nhiều môn phải thi lại. 


Thầy Dũng đã làm tất cả những gì có thể

Trên giường cấp cứu, khi tỉnh lại, thầy Đặng Hữu Dũng thều thào: “Em ấy trách tôi... Nhưng quyền hạn của tôi chỉ chừng ấy, tôi làm gì hơn được”. Và ở Trường ĐH Nông lâm, thầy cô giáo và sinh viên đều tin nếu “làm gì hơn được”, chắc chắn thầy Dũng đã không khước từ.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác sinh viên, cho biết đồng nghiệp của mình đã khuyên bảo Thanh rất nhiều lần: “Ráng học, chứ điểm thì em có bao nhiêu tôi cho bấy nhiêu”. Tuy nhiên ba năm ra trường, đăng ký học lại môn của thầy Dũng bốn lần, Thanh đều không đi học hoặc chỉ đến lớp đôi ba bữa chiếu lệ. Chỉ có việc gọi điện thoại hay đến khoa gặp thầy Dũng xin điểm là rất miệt mài. Lần gần đây nhất vào tháng 4-2009, Thanh lên khoa gặp cả thầy Xuân lẫn thầy Dũng để năn nỉ. “Không ai ngờ, sự tận tình và ngay thẳng của một người thầy lại chuốc họa vào thân” - thạc sĩ Lý thảng thốt.

Bác sĩ tâm lý Đỗ Minh Tuấn: Đừng mang “bệnh đổ thừa”

Có thể nhận ra cậu sinh viên Thanh này có rất nhiều uất ức, dồn nén (thỏa đáng và không thỏa đáng, thông cảm và không thông cảm) nhưng cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ: “Đổ thừa thất bại của mình cho người khác”. Sẵn sàng đổ trách nhiệm lên bất kỳ ai, nhất là những người “cầm cân nảy mực” như cha mẹ, thầy cô, lãnh đạo, đồng nghiệp, có khi... cả xã hội. Từ đổ vấy sang căm ghét, thậm chí trả thù là những mắt xích rất dễ nối vào nhau. Tất nhiên không phải hễ căm ghét là đổ vấy, ở đây còn có sự can dự của nhân cách. Có lẽ trong suy nghĩ của sinh viên Thanh, việc thầy thông cảm cho qua là việc dễ như trở bàn tay nhưng thầy không làm. Từ đó anh ta suy diễn xa hơn về việc “cố ý trù dập”.

Nếu có dịp trò chuyện với Thanh trước khi sự việc xảy ra, tôi hy vọng sẽ giúp Thanh đặt trách nhiệm thất bại của mình vào đúng chỗ. Theo tôi, vì quá nóng ruột việc vinh quy bái tổ và kiếm tiền nên Thanh xem việc nợ một môn duy nhất chỉ là cái dầm nhổ lúc nào cũng được. Và cũng vì coi thường đã dẫn đến thi rớt, sinh ra phẫn uất…
 
Dù biện minh kiểu gì thì dứt khoát không thể chấp nhận việc trò hành hung thầy, chưa nói tạt axít. Thau axít này là hồi chuông “nóng hổi” nhất về vấn đề đạo đức xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng. Không thiếu việc học trò nói xấu thầy cô, thậm chí chặn đường hành hung nhưng bưng một thau axít đến giảng đường thì thật đáng rùng mình. Ở đây có thể một lần nữa cái mầm bệnh được phát giác từ lâu đã có dịp mưng mủ, đó là trong mắt của nhiều cô cậu học trò thầy cô chỉ là người “dạy học lãnh lương”. Với những học trò này, chỉ một chút “phật ý” cũng đủ khiến họ “sòng phẳng” với thầy cô của mình.

  

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo