xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tác quyền ca khúc Trịnh Công Sơn: Hợp lý và... bối rối

Theo Đỗ Duy (Tuổi Trẻ)

Việc ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - gửi văn bản đến các phòng trà, đơn vị tổ chức biểu diễn đề nghị thanh toán (từ 1-7-2006) tác quyền ca khúc của anh trai đang khiến không ít ông bà chủ của những đơn vị tổ chức biểu diễn "băn khoăn", "bối rối".

Theo yêu cầu từ phía gia đình cố nhạc sĩ, một bài của Trịnh Công Sơn được sử dụng phải trả số tiền 300.000 đồng/lần.

Thu tiền tác quyền: lâu nay làm… cho có

Sự kiện gây "bối rối" vì số lượng ca khúc của Trịnh Công Sơn được sử dụng là không nhỏ, được hát không ít lần. Còn "băn khoăn" vì một thực tế khác, trừ những ca khúc của Phạm Duy được Phương Nam độc quyền - kiểm soát bản quyền chặt chẽ, lâu nay chuyện thu tiền tác quyền ca khúc chỉ được làm... cho có.

Là đơn vị tổ chức chương trình lớn và sản xuất băng đĩa có sử dụng ca khúc của Trịnh Công Sơn thường xuyên nhất, Phương Nam đã thực hiện trả tiền tác quyền những ca khúc ghi âm để phát hành CD cho gia đình nhạc sĩ với giá 1 triệu đồng/bài. Số tiền sẽ được tính cao hơn với những ca khúc được sử dụng trong chương trình biểu diễn có doanh thu, ghi hình và phát hành đĩa sau đó. Nhưng thực tế, việc tôn trọng tác quyền ca khúc của Trịnh Công Sơn nói riêng và nhiều nhạc sĩ VN nói chung trong những hoạt động biểu diễn khác thì hoàn toàn ngược lại…

* Theo các phòng trà và đơn vị tổ chức khác, việc thu tiền bản quyền ca khúc là hoàn toàn đúng, nhưng do thực tế quản lý lỏng lẻo bấy lâu nay không được áp dụng đồng bộ, nên việc truy thu là hơi... khó. Hầu hết giới tổ chức biểu diễn phòng trà đều cho rằng cách tính 300.000 đồng/bài/lần hát là khá cao. Với những chương trình phòng trà, ca sĩ hát rất nhiều theo yêu cầu, tính bằng số lần thì con số phải trả trong một đêm sẽ không thua gì catsê của một ca sĩ hạng B.

* Ông Tô Văn Long - trưởng phòng quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả:

Việc thu tiền bản quyền được tính căn cứ theo nghị định của Chính phủ về chế độ nhuận bút (nghị định số 61/2002/NĐ-CP). Đối với những lĩnh vực chưa được qui định sẽ dựa trên sự thỏa thuận giữa tác giả với nhà khai thác sử dụng.

Nghị định số 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút nêu rõ: tác phẩm đã công bố, phổ biến khi được sử dụng lại, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm vẫn hưởng nhuận bút theo qui định. Việc trả nhuận bút phải đảm bảo hợp lý giữa lợi ích của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, lợi ích của bên sử dụng tác phẩm và lợi ích của người hưởng thụ tác phẩm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với tác phẩm có tính đặc thù chưa được qui định cụ thể tại nghị định này thì việc trả nhuận bút do thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thông qua hợp đồng thỏa thuận khoán gọn.

* Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), mức thu tiền bản quyền áp dụng trong năm 2007-2008 tại quán cà phê, giải khát (kể cả phòng trà - PV) tại thành phố loại một: tại quận - khu vực trung tâm, mức thu (khoán) đối với việc sử dụng nhạc sống ở những quán dưới 30 chỗ ngồi là 75.000 đồng/tháng. Nếu quán có trên 30 chỗ ngồi, thu theo mức 7.500 đồng/chỗ ngồi/tháng. Số tiền bản quyền thu được sẽ chia cho các tác giả căn cứ trên danh sách tác phẩm âm nhạc đã sử dụng nhân với số lần sử dụng tại quán. Danh sách và số lần sử dụng do người sử dụng điền vào bản kê khai có sẵn của VCPMC.

Theo VCPMC, cách tính này căn cứ trên các qui định luật pháp và dựa trên sự thỏa thuận giữa VCPMC, tác giả và nhà khai thác sử dụng. Kể từ năm 2006, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự tiến hành việc thu tiền bản quyền, không ủy thác cho trung tâm như trước kia.

Ca sĩ Ánh Tuyết - chủ phòng trà ATB - cho biết việc thu tiền tác quyền ca khúc hiện nay hầu như chỉ được thực hiện trong những chương trình lớn, con số thường là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/bài, nhưng lại được thỏa thuận gia giảm tùy vào tính chất sô "từ thiện hay không từ thiện", "truyền hình hay không truyền hình"... Ngay với việc trả tiền tác quyền cho những ca khúc của Văn Cao mà ATB thường xuyên sử dụng cũng chỉ được tính theo... tình cảm. Tức là có doanh thu tốt thì Ánh Tuyết sẽ tự nguyện trích một khoản để gửi lại gia đình của nhạc sĩ, còn ngược lại thì... Nhạc sĩ Lê Quang, chủ phòng trà Không Tên, cũng cho biết trước nay phòng trà không phải trả tiền tác quyền ca khúc cho nhạc sĩ, dù đó là một việc hợp lý.

Ông Nguyễn Tuấn - đại diện phòng trà Tình Ca, trước đây là biên tập của phòng trà M&Tôi - cho biết trong cân đối thu chi của các phòng trà trước nay thường không có khoản cho "tiền tác quyền".

Thương lượng để trả theo doanh thu

Về bản quyền ca khúc nói chung, Phương Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện độc quyền các ca khúc của Phạm Duy và áp dụng chế độ thu tiền tác quyền. Qui định được đưa ra ngay từ đầu nên cũng dễ cho các đơn vị trong việc cân đối, quyết định tổ chức những chương trình có sử dụng ca khúc của ông. Bà Phan Mộng Thúy, giám đốc Phương Nam, cho biết đơn vị của mình cũng không quá cứng nhắc trong việc thu tác quyền. Cụ thể với những chương trình của Ánh Tuyết tổ chức tại phòng trà hay một số chương trình nhỏ, vừa khác, số tiền thu không được tính với giá 1 triệu đồng/bài như qui định, mà tính tùy thuộc vào tính chất, qui mô của chương trình.

Phương Nam cũng áp dụng "hợp đồng linh hoạt" với Đức Tuấn - ca sĩ thường xuyên hát nhạc Phạm Duy. Theo đó, số tiền Đức Tuấn phải trả cho việc sử dụng ca khúc được tính theo năm. Con số này sẽ ít hơn rất nhiều so với việc nhân và cộng số lần, số bài sử dụng. "Hơn nữa cũng không thể nào kiểm soát hết được ca sĩ hát bao nhiêu bài, bao nhiêu lần trong những chương trình dạng "hát theo yêu cầu" của phòng trà - bà Thúy nói - Với thực tế hiện nay, quan trọng không phải là thu được nhiều tiền mà là kêu gọi ý thức tôn trọng tác quyền của người sử dụng".

Một đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại phòng trà ATB - Ảnh: ATB cung cấp
Một đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại phòng trà ATB - Ảnh: ATB cung cấp

Với những đêm nhạc Trịnh sắp được tổ chức, phần lớn đều tiến hành thương lượng lại với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để trả theo doanh thu, chương trình chứ không áp dụng hình thức tính theo bài, lần. Như ba đêm nhạc Trịnh sắp được tổ chức tại phòng trà Yesterday dự kiến sử dụng 31 ca khúc/đêm. Anh Khoa, người thực hiện chương trình, cho biết tổng số tiền tác quyền mà chương trình trả gia đình ông là 10 triệu đồng/đêm. Số tiền này được tính theo thỏa thuận chứ không theo số lượng bài.

Nhạc sĩ Lê Quang định tổ chức chương trình nhạc Trịnh cũng cho biết: "Tôi và chị Trịnh Vĩnh Trinh đang thương lượng lại. Có thể sẽ không áp dụng cách tính theo bài, lần mà theo quí hoặc năm, vì hoạt động phòng trà sử dụng rất nhiều ca khúc, hát theo yêu cầu khán giả, không như những hoạt động biểu diễn khác".

Ông Nguyễn Tuấn, biên tập phòng trà Tình Ca, thổ lộ: "Phòng trà Tình Ca đã thương lượng lại với gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về tiền tác quyền ca khúc trong hai đêm nhạc sắp tổ chức, sẽ không tính theo số bài mà dựa vào doanh thu của chương trình và trên tinh thần hợp tác để góp phần giữ cho nhạc Trịnh sống mãi".

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Chúng tôi linh động trong việc áp dụng khung giá

* Thực tế việc truy thu tiền tác quyền những ca khúc của Trịnh Công Sơn ở thời điểm này xuất phát từ lý do gì?

- Trịnh Vĩnh Trinh: Đã từ bấy lâu nay việc trả tiền tác quyền cho anh Sơn được thi hành một cách tùy tiện. Gia đình chưa bao giờ lên tiếng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc vi phạm tác quyền càng ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là gần đây những đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại một số phòng trà lớn ở TPHCM, đêm biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội… những nhà tổ chức gồm những người nổi tiếng kể cả nhạc sĩ không hề đoái hoài đến việc thi hành nghĩa vụ tác quyền. Và đến khi gia đình bắt buộc phải nhắc nhở thì họ vẫn lờ đi! Theo anh, chúng tôi cần phải làm gì?

* Việc thu tiền tác quyền ca khúc đã không được áp dụng chặt chẽ trong thời gian qua dẫn đến các đơn vị tổ chức chưa có ý thức tốt và băn khoăn, bối rối trong lần truy thu này, dù biết đó là khoản thu hợp lý. Chị nghĩ sao?

- Thật sự khung tác quyền đã được định nghĩa rất rõ ràng bởi Cục Tác quyền một cách bài bản và khoa học, dựa trên loại hình biểu diễn, nơi biểu diễn, số ghế và giá vé... Nếu gia đình chúng tôi áp dụng khung giá này thì số tiền tác quyền phải trả sẽ lớn hơn nhiều. Phải nhấn mạnh rằng qua kinh nghiệm, những cá nhân hay tổ chức thật sự muốn trả tiền tác quyền thì đó không phải là vấn đề. Chúng tôi luôn linh động trong việc thu tiền tác quyền nhằm khuyến khích các hoạt động văn nghệ chân chính và có tính cách quần chúng. Điển hình là chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề tác quyền cho tất cả những đêm nhạc Trịnh Công Sơn tổ chức hằng năm tại khu du lịch Thanh Đa - Bình Quới.

Rất nhiều cơ sở khác như cà phê Trịnh ở quận Tân Bình, cà phê Yesterday ở quận 3, phòng trà Tình Ca của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy, của ca sĩ Lan Ngọc đều đóng góp trên cơ sở tự nguyện.

Tôi xin xác nhận không có việc phải trả 300.000 đồng cho mỗi bài hát Trịnh Công Sơn. Số tiền này có thể cao hơn nhiều hoặc rất thấp hơn, hoặc miễn thu tùy theo địa điểm, chủng loại và tính cách quần chúng của nó. Dĩ nhiên nếu những buổi trình diễn thuần túy chỉ mang tính chất thương mại thì chúng tôi có quyền áp dụng khung giá tác quyền qui định bởi luật pháp VN.

* Các đơn vị tổ chức cho rằng con số 300.000 đồng/bài là quá cao so với những hoạt động của phòng trà. Chị nghĩ sao về việc này?

- Nếu phải áp dụng theo đúng khung giá qui định bởi Nhà nước thì con số 300.000 đồng/bài cho những hoạt động của phòng trà thì vẫn còn thấp cho những phòng trà có tầm cỡ. Và chúng tôi luôn linh động trong việc áp dụng khung giá, phân biệt những hoạt động có tính chất quần chúng với những hoạt động chỉ mang tính chất kinh doanh, thương mại. Rất tiếc, những người than vãn về tiền tác quyền phải trả trên công luận lại là những người chưa bao giờ đến gặp chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc: Thu tiền tác quyền, xin nhã nhặn hơn!

Hôm nay đọc vấn đề chị Trịnh Vĩnh Trinh yêu cầu 300.000đồng cho mỗi bài nhạc Trịnh hát ở phòng trà và thấy có một số chủ phòng trà phản đối tôi nghĩ cũng lạ.

Xét về phương diện tác quyền, không biết là các chủ phòng trà hay các ca sĩ trình bày phản đối như vậy có phải là kém tôn trọng tác quyền? Với các ca sĩ được mến mộ thì 300.000đ trên một bài hát họ trình bày là quá nhỏ nhoi, trong khi thu nhập họ hát với đơn vị tính là triệu đồng. Tuy nhiên với các phòng trà nhỏ với các ca sĩ hát như là một nghiệp thì quả thật 300.000đ là rất lớn.

Xét về phương diện nhân sinh, nhạc của ông không phải để nghe mà còn để nghĩ. Người yêu nhạc Trịnh Công Sơn là vì vậy, người nghe đa phần là những người thích sự thâm trầm. Tôi khi xưa lúc không có tiền cũng mua những đĩa nhạc Trịnh không có bản quyền, giá rẻ. Sau này, khi có được thu nhập tôi lại mua những đĩa có bản quyền, dù rằng những đĩa đó mình đã có trước một bản copy.

Vấn đề đặt ra theo tôi nghĩ là cách thu và cách nêu ra lý lẽ, không nên đặt dư luận trước một lý lẽ hơi chung chung là "thu để làm quỹ học bổng", điều này có vẻ không thuyết phục. Bằng cách nào đó, gia đình nhạc sĩ nên khéo léo, không nên khiến người nghe sẽ quay lưng vì thấy nhạc Trịnh không còn để thâm trầm suy ngẫm nữa mà nó đang là "money maker" (kiếm tiền).

Nhạc của Trịnh Công Sơn là di sản, gia đình là người được ủy thác để gìn giữ di sản đó, mong hãy làm cho di sản tinh thần này được lan tỏa đến mọi người để mọi người cùng gìn giữ. Đừng để mọi người phó thác cho gia đình giữ di sản... một mình (!).

HV NGUYEN

300.000 đồng mới chỉ là số tiền đề nghị phải trả đối với các phòng trà nhỏ, còn với các phòng trà lớn như Không Tên, M&Tôi chẳng hạn, bà Trinh đề nghị trả 500.000đ/bài/lần hát. Nếu thu đủ theo mức này thì tôi cam đoan chẳng phòng trà nào dám cho ca sĩ hát nhạc Trịnh hằng đêm. Giỏi lắm thì cố gắng thi thoảng làm một chương trình như dịp 1-4- ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn.

Thu tác quyền là điều không thể chối cãi, các phòng trà theo tôi biết cũng sẵn sàng trả tác quyền, nhưng thu thế nào cho hợp lý chứ ra tối hậu thư theo kiểu đòi nợ, hù dọa như thế, khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và họ bỏ luôn đêm nhạc Trịnh Công Sơn hay không cho ca sĩ hát nhạc Trịnh là điều dễ hiểu.

Thử hỏi từ khi có Luật sở hữu trí tuệ, gia đình Trịnh Công Sơn có ra công văn gửi các nơi đề nghị trả tiền tác quyền chưa mà bây giờ đùng một cái lại đi gửi giấy đòi tiền như vậy, còn tự ý ra mức giá thu mỗi bài 300.000 - 500.000 đồng cho mỗi lần hát. Không kể các ca sĩ ngôi sao, hầu hết các ca sĩ hát nhạc Trịnh ở các phòng trà hát một show (từ 2-3 bài) được trả khoảng 100.000 - 200.000 đồng thì lấy tiền đâu trả tác quyền?

Còn nếu phòng trà phải trả thì cứ một ca sĩ hát 2 -3 bài như thế, một đêm cũng khoảng trên dưới 20 bài, số tiền phải trả là từ 6- 10 triệu đồng. Lỗ là cái chắc! Còn vịn vào các đêm có ngôi sao, tiền phụ thu cao - cũng phải tính đến tiền cho ca sĩ, tiền mặt bằng, điện nước, ban nhạc, nhân viên, thuế... Chưa kể là lâu lâu họ mới dám làm một đêm như vậy để bù vào các đêm bị lỗ hay vắng khách.

Cho nên phải cân nhắc sao cho hợp tình hợp lý và người ta có thể chấp nhận được, chứ kiểu này thì nhạc Trịnh vô tình trở thành một món hàng xa xỉ không còn được phổ biến đại chúng như trước đây nữa.

Theo tôi, cách tính tác quyền hợp lý nhất là cứ thu như các nhạc sĩ hiện đang làm vậy. Tức một ca khúc ca sĩ mua độc quyền của nhạc sĩ khoảng 5 triệu đồng, còn mua tác quyền chỉ từ 500.000 đến 1 triệu và được quyền hát bất cứ đâu, bất cứ bao nhiêu lần, kể cả làm băng đĩa.

Nhạc Trịnh thì không thể (hay đúng hơn là không nên) bán độc quyền, vì nhạc Trịnh là nhạc của đại chúng. Cho nên chỉ có thể bán tác quyền cho các tụ điểm hay phòng trà có hát nhạc Trịnh. Muốn mua tác quyền bao nhiêu bài thì đăng ký và chỉ trả một lần để các ca khúc đó được hát ở phòng trà đó, nếu không đủ tiền thì mua nhiều đợt, vì nhạc Trịnh Công Sơn có tới hàng ngàn bài mà. Thu như vậy là hợp lý và các phòng trà có thể chấp nhận được, còn nếu mỗi lần hát mỗi lần thu thì đố ai dám hát thường xuyên. Nhạc Trịnh dần dần bị xếp xó là cái chắc.

Chỉ những chương trình lớn, có đông khán giả, có tài trợ thì thu 300.000 đồng hay 500.000 đồng/bài/chương trình là phải. Mong bà Trịnh Vĩnh Trinh và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xem lại cách thu tác quyền và cách hành xử nhã nhặn hơn đối với những nơi đang phổ biến và bảo tồn di sản của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

HỒNG SƠN

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo