xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nước trên mặt trăng có ý nghĩa gì ?

Văn Anh

17 giờ 30 phút ngày 9-10 (giờ Việt Nam), mặt trăng sẽ bị Mỹ "dội bom" ở vùng Nam cực hai lần. Đây là một cuộc tấn công có chủ đích của NASA (Cơ quan Quản trị hàng không vũ trụ Mỹ) nhằm ước lượng nước trên mặt trăng

Dấu vết nước đã được NASA phát hiện từ năm 1999. Gần đây,  ba phi vụ khảo sát mặt trăng của Mỹ, Ấn Độ và Nhật cũng xác nhận mặt trăng có các phân tử nước. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa về khoa học mà còn tác động cả địa chính trị.


Từ Apollo đến tàu con thoi


Cuộc tấn công vào vùng ẩm ướt nhất của mặt trăng do phi thuyền LCROSS (vệ tinh khảo sát và phán đoán hố mặt trăng) của Mỹ  thực hiện. Nó đã khởi hành từ mặt đất ngày 18-6 vừa qua.

Mục tiêu tấn công là một hố nhỏ có bán kính rộng 48 km được đặt tên là Cabeus A ở gần Nam cực. Vào giờ nói trên, tên lửa Atlas 5, tầng cuối cùng nặng 2,7 tấn, tách khỏi LCROSS trước đó 10 giờ, sẽ lao thẳng vào miệng hố với tốc độ 9.600 km/giờ gây ra một va chạm mạnh và tạo nên đám bụi cao chừng 10 km mà các nhà khoa học tin rằng chứa đựng nhiều tinh thể nước đá.


LCROSS sẽ quay phim toàn bộ vụ tấn công thứ nhất,  chui qua đám bụi đó thu thập các dữ liệu gửi về trái đất, rồi đâm thẳng luôn vào hố  Cabeus 4 phút sau dưới con mắt quan sát của viễn vọng kính Hubble. Nó cũng tạo ra một đám bụi,  nhỏ hơn vụ va chạm đầu. Các đài quan sát mặt đất sẽ đo đạc, phân tích các dữ liệu xem có khớp với giả thuyết theo đó nước có thể tích đọng trong các miệng hố ở vùng Nam cực sau những cú va chạm giữa thiên thạch và mặt trăng.


40 năm trước, chương trình Apollo của NASA ra đời chủ yếu vì mục đích chính trị. Thời chiến tranh lạnh, thám hiểm vũ trụ được coi là một công cụ chính trị để chứng tỏ sự ưu việt của Mỹ hay Liên Xô. Lúc đầu, Liên Xô luôn luôn đi trước Mỹ.


Năm 1957, Liên Xô phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người. Năm 1961, Yuri Gagarin của Liên Xô là người đầu tiên bay vòng quanh trái đất. Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy quyết định Mỹ sẽ là nước đầu tiên bay lên mặt trăng vào năm 1970.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ đạt được mục đích này thì Liên Xô lại quyết định không chạy theo. Liên Xô bằng lòng với những chuyến đổ bộ lên mặt trăng bằng thiết bị không người lái (Luna 16, Luna 20, Luna 24). Cuộc chạy đua lên mặt trăng giữa hai cường quốc không gian vì vậy cũng không còn quyết liệt nữa. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ cũng không còn hứng thú tiếp tục chinh phục mặt trăng vì quá tốn kém.


Do đó, chỉ sau 3 năm thực hiện, chương trình Apollo đột ngột chấm dứt vào tháng 12-1972 sau 6 chuyến đổ bộ với 12 người Mỹ đi bộ trên mặt trăng. Từ đó, Mỹ  tự giới hạn vào các chuyến bay trên quỹ đạo với chương trình tàu con thoi.


Ý nghĩa của nước trên mặt trăng


Nước trên mặt trăng không phong phú và đa dạng như trên trái đất. Nó không thành biển hay sông, hồ. Thậm chí một cái ao nước nhỏ cũng không. Theo các nhà khoa học ở  NASA, người ta chỉ hy vọng tìm thấy các phần tử của nước như hydrogen và oxygen. Tài nguyên quý giá này đối với con người, nếu có, chỉ có thể nằm bên dưới bề mặt đất mặt trăng dưới dạng nước đá.


Ý nghĩa của sự hiện diện nước trên mặt trăng có hai mặt. Về mặt khoa học, nó là phần tử chủ yếu của sự sống trên trái đất. Nó rất cần thiết cho hoạt động của con người trên mặt trăng.

img
Tàu vũ trụ LCROSS. Ảnh: NASA


Nó cũng là nhiên liệu cho các phi thuyền tương lai. Nếu có thể khai thác nước với số lượng dồi dào, con người có thể định cư trên mặt trăng, trồng rau cải. Nhưng quan trọng hơn, con người có thể  thiết lập một căn cứ phóng những con tàu vũ trụ bay xa hơn vào không gian vũ trụ bao la. Điều này hối thúc người Mỹ quay trở lại mặt trăng với một chương trình thám hiểm vũ trụ có nhiều tham vọng hơn.


Về mặt chính trị, sự hiện diện của nước trên mặt trăng đã hâm nóng trở lại cuộc chạy đua lên mặt trăng. Nhưng đối thủ của Mỹ lần này không chỉ có Nga. Ở châu Á, Trung Quốc (TQ), Ấn Độ và Nhật Bản đều có chương trình nghiên cứu và thám hiểm mặt trăng đầy tham vọng.


Xuất hiện nhiều đối thủ


Trong khi Nga có chương trình đưa người lên mặt trăng năm 2025 và thiết lập căn cứ thường trực từ năm 2027 đến 2030 thì TQ cũng có chương trình Hằng Nga bắt đầu từ tàu vũ trụ Hằng Nga I phóng ngày 1-3-2009 bay quanh mặt trăng. Từ nay đến năm 2018, TQ sẽ phóng thêm 3 tàu vũ trụ nữa lên mặt trăng.


Ấn Độ cũng có chương trình Chandrayaan. Tàu vũ trụ Chandrayaan I  đã góp công vào việc phát hiện nước. Chandrayaan II  sẽ đổ bộ lên mặt trăng năm 2013. Nhật Bản cũng có chương trình Selene thám hiểm mặt trăng thực hiện trong hai năm 2012-2013.


Đứng trước tình thế ngày càng có nhiều nước tham gia cuộc đua lên mặt trăng, Mỹ cũng phải tính đến vì họ không muốn đánh mất  vị trí số 1 hiện nay. Cách đây 4 năm, Tổng thống Bush quyết định người Mỹ sẽ quay trở lại mặt trăng năm 2020 cũng vì lý do đó.

Nhưng khủng hoảng kinh tế đã khiến chính phủ ông Obama lưỡng lự. Ông tìm cách tránh né bằng cách ủy nhiệm cho Ủy ban Augustine xem xét lại các kế hoạch của NASA. Ủy ban này cũng đã có kết luận rõ ràng: Nếu không chi thêm 3 tỉ USD thì khó quay trở lại mặt trăng.


Tuy nhiên, theo báo The Independent (Anh), nếu vụ “dội bom” mặt trăng vào hôm nay  xác định rằng mặt trăng có nước và TQ – hoặc Nga hay Ấn Độ – quyết tâm trở thành nước đầu tiên  thiết lập tiền đồn trên mặt trăng thì chính quyền ông Obama có thể tỏ ra tích cực hơn.

 

Kỳ tới: NASA buộc phải tìm đối tác

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo