xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Người điên” nặng tình với VN

Hồng Lê Thọ

Ròng rã 8 năm, từ 1965 đến 1973, nhiều người Nhật ở Tokyo đều hết sức ngạc nhiên khi thấy ở bất cứ nơi nào Kaneko Tokuyoshi có mặt, ông đều mang trước ngực tấm biểu ngữ “Mỹ hãy cút khỏi VN”

Tôi gặp nhà báo Kaneko Tokuyoshi lần đầu tiên ở một trại hè dành cho thanh niên Nhật Bản vào tháng 7-1971 ở hồ Goshiki, tỉnh Fukushima. Trong không khí mát dịu bên hồ Goshiki, một nơi nghỉ mát vùng cao nổi tiếng của Nhật, hơn 1.000 sinh viên và thanh niên Nhật tụ họp thảo luận về hòa bình, chiến tranh, môi trường..., những vấn đề đang đe dọa sự phát triển bền vững trên trái đất. Tại đây, Kaneko say sưa kể lại những gì ông đã gặp trong suốt thời gian 6 năm đeo tấm biểu ngữ “Mỹ hãy cút khỏi VN.


“Kỳ quặc”, “ngược đời”


Những điều tâm sự của Kaneko hôm ấy vẫn còn đọng mãi trong tôi cho đến hôm nay. Kaneko tránh né hoặc không có thói quen dùng những từ ngữ đao to búa lớn như một số người trong phong trào “thiên tả” phổ biến hồi đó, càng không cho hành động của mình mang “tính biểu tượng” cho khuynh hướng tiến bộ này khác. Lời lẽ bình dị về giấc mơ một thế giới không có giết chóc, bom đạn, thù hằn vì chiến tranh; không nghèo khó, tật bệnh do ô nhiễm môi trường của Kaneko đã lay động những người trẻ hôm ấy, trong đó có tôi - người VN duy nhất tham dự trại hè.


Ròng rã 8 năm, từ 1965 đến 1973, nhiều người Nhật ở Tokyo đã hết sức ngạc nhiên khi gặp trên đường đi, ở tàu điện, nơi hàng quán, hội trường, sân bay... bất cứ nơi nào Kaneko có mặt, ông đều mang trước ngực tấm biểu ngữ “Mỹ hãy cút khỏi VN”. “Suốt thời gian từ khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc VN cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi chưa hề gỡ nó ra, trừ khi ở nhà hay trong quán nhậu với bạn bè và những lúc nản chí” - Kaneko tâm sự trong buổi mít tinh chào mừng thắng lợi của Hiệp định Paris vào cuối tháng 1-1973, tại Tokyo. Hôm đó, ông tuyên bố từ nay sẽ vĩnh viễn gỡ tấm biểu ngữ trứ danh này ra khỏi người, vì nó “đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”.


Câu chuyện đeo biểu ngữ đòi hòa bình, yêu cầu Mỹ rút hoàn toàn quân đội ra khỏi VN của nhà báo Kaneko Tokuyoshi đã trở thành một hành động nổi tiếng trong phong trào đấu tranh phản chiến tại Nhật Bản. Thoạt đầu, nhiều người nghe nói đã không tin. Song, khi thấy Kaneko, lúc thì trên chiếc xe đạp cọc cạch từ nhà đến ga Mitaka ở ngoại ô Tokyo, khi ngồi trên tàu điện hay xe buýt đến sở làm... với chiếc zekken (*) phản chiến bền bỉ năm này qua tháng khác, những người trước đây từng cho Kaneko là “người điên”, từng xầm xì trước hành động “kỳ quặc” hay “ngược đời” của ông, đã hoàn toàn bị thuyết phục.


Hình ảnh quen thuộc


Ông Kaneko kể: “Ý tưởng mang zekken phản chiến vì VN nảy sinh trong một buổi nhậu với bạn bè cùng sở làm với tôi, sau 2 tháng kể từ khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc VN. Tối đó, tôi về nhà ấp úng thổ lộ ý định này với Shizue, vợ tôi. Cứ tưởng Shizue sẽ phản đối kịch liệt, song không ngờ bà ấy lại tỏ vẻ đồng tình. Shizue bảo: “Để em may cho anh, 3 ngày sau là có thôi”. Rồi Shizue hỏi: “Anh định mang nó đến khi nào, để em còn chọn vải và tính xem phải may mấy chiếc?”. Tôi ngớ ra: “Ừ... thì cứ mang nó cho đến ngày Mỹ rời khỏi VN chứ sao...”. Nghe vậy, Shizue trố mắt nhìn tôi và không nói gì nữa”.


Sau này, trong một lần đến chia tay Kaneko để về nước vào năm 1981, tôi dò hỏi ông: “Tại sao khi nghe anh trả lời, chị Shizue chỉ trố mắt nhìn mà không nói gì?”. Kaneko cười sảng khoái, lấy tay sờ ngực mình như nhớ lại tấm zekken ngày nào, cho biết: “Thật ra, Shizue không tin là người VN sẽ thắng Mỹ và lo rằng tôi sẽ phải mang tấm zekken này suốt đời”. Bà Shizue từ bếp bước ra, góp chuyện: “Đúng đấy anh ạ. Lúc đó tôi không nghĩ các bạn VN lại giành được thắng lợi trước một đối thủ mạnh như vậy”. Thì ra thế! Tôi chợt nhớ trước đó, trong những lần gặp Kaneko tại những buổi mít tinh phản đối Mỹ tham chiến ở VN vào những năm 1970-1972, ông thường ghé tai tôi, nói nhỏ: “Tôi muốn gỡ tấm zekken này xuống sớm nhưng Mỹ ngoan cố quá, chưa chịu rút quân khỏi VN”.

img
Kaneko luôn mang tấm zekken “Mỹ hãy cút khỏi VN” mỗi khi ông ra đường từ năm 1965 đến 1973


Kaneko bắt đầu khoác chiếc áo có đính tấm zekken “Mỹ hãy cút khỏi VN” do vợ ông khâu từ sáng 5-4-1965, sau 2 tháng kể từ khi máy bay Mỹ ném bom miền Bắc VN vì sự kiện vịnh Bắc Bộ. Mang được gần 10 ngày, Shusuke, con trai đầu lòng của Kaneko, tức tưởi nói với ông: “Bố ơi, bố bỏ cái này ra đi, kỳ cục lắm, con mắc cỡ vì tụi bạn trong lớp nói bố là baka, kichigai (khùng, điên – H.L.T) đó”.

Kaneko nhớ lại: “Lúc ấy, tôi nghe con ngây thơ nói vậy mà tim đau nhói. Người ngoài không hiểu chê trách, thậm chí chửi bới thô tục mình còn chịu đựng được, giải thích được, song với con mình thì chẳng biết nói sao, vì nó còn nhỏ quá, đâu thể đem cuộc chiến tranh ở VN ra để thuyết phục. Tôi lặng người, sau cùng chỉ biết nói với con: Bố phải mang zekken này vì đã hứa với mẹ, hứa với các bạn của bố. Hứa thì phải giữ lời, con ạ. Không ngờ Shusuke hiểu ngay, quệt nước mắt, bảo: “Vậy thì bố phải mang nó để giữ lời hứa, vì giữ lời hứa là quan trọng nhất, cô giáo con nói thế”.


Mãi đến khi Shusuke lên 16 tuổi, bước vào học cấp 3, chiếc zekken trên ngực Kaneko mới hoàn thành sứ mạng. Lúc này, Shusuke đã đủ lớn để hiểu được lý do tại sao bố cậu lại mang tấm zekken ròng rã suốt 8 năm trời. Shusuke thắc mắc: “Không còn mang zekken vì VN, sao bố không thay thế bằng tấm khác, hô hào chặn đứng vật giá leo thang chẳng hạn?”. Kaneko bộc bạch: “Tôi mừng thầm là con mình đã khôn lớn, biết suy nghĩ. Đối với Shusuke, 8 năm tôi mang zekken vì VN là một quá trình dài ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của nó. Vì vậy, hình ảnh mang zekken của tôi đã trở thành một cái gì quen thuộc trong mắt nó. Có lẽ với Shusuke, không có chiếc zekken thì tôi không phải bố nó nữa mà là một người nào khác”.


Trống vắng nhưng nhẹ nhõm


Tám năm ròng rã với tấm zekken trước ngực, chịu đựng nắng mưa trên phố và những lời chê khen đủ loại, cuối cùng Kaneko đã mãn nguyện gỡ nó ra khi VN mà ông trót nặng tình đã chiến thắng, đã có hòa bình trong tầm tay vì hiệp định hòa bình được ký kết tại Paris vào tháng 1-1973. Nếu tính chính xác, Kaneko đã mang tấm zekken “Mỹ hãy cút khỏi VN” 8 năm 2 tháng và quyên góp được 1,4 triệu yen (tương đương 14.000 USD) để ủng hộ trẻ em VN.

Trở về cuộc sống không còn tấm zekken trước ngực, Kaneko cảm thấy trống vắng nhưng nhẹ nhõm vì biết rằng chiến tranh ở VN đã qua đi. Kaneko không ngăn được xúc động khi những người quen nhắc lại những kỷ niệm quanh tấm zekken “Mỹ hãy cút khỏi VN” của ông.


Năm 1978, Kaneko trở lại Hà Nội sau chuyến đi trước đó vào tháng 10-1971, lúc Hà Nội còn dưới mưa bom của máy bay Mỹ. Kaneko không kìm được xúc cảm và đã ôm chầm những người bạn VN vào lòng, thổn thức: “Buổi sáng đầu tiên mang tấm zekken phản chiến bước ra khỏi nhà, tim tôi đập loạn vì căng thẳng. Bây giờ tim tôi cũng đập nhanh như vậy vì đã chứng kiến những gì ước mơ nay đã thành hiện thực”.

img
Du khách tham quan Viện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TPHCM đang chiêm ngưỡng tấm zekken của Kaneko. Ảnh: N.HỮU


Niềm vui sướng và tự hào ấy đã bù lại tất cả thiệt thòi, gian khó, dao động tư tưởng suốt 8 năm mang tấm zekken của Kaneko. Ông tâm sự: “Hồi đó, khi mang zekken được hơn 3 năm, bạn bè chúc mừng tôi vì nghe tin tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện miền Bắc và có kế hoạch rút quân về nước vào ngày 31-2-1968.

Song sau đó, tổng thống Nixon lại bắt đầu thực hiện “VN hóa chiến tranh”. Lúc ấy tôi cũng nản, nghĩ là cuộc chiến này khó mà kết thúc sớm nên đã tháo tấm zekken ra. Không ngờ chỉ 2 ngày sau, đứa con thứ hai mới lên 6 tuổi của tôi thắc mắc: “Ủa, VN hết chiến tranh rồi hả bố?”. Thế là tôi hối hận, vội lẳng lặng vào hộc tủ lấy chiếc áo có đính tấm zekken ra, vừa mang vào người vừa giải thích với con: “Bố vội quá nên quên đấy con ạ”, rồi quyết tâm vẫn mang tấm zekken ấy ra khỏi nhà như trước đó”.


Hai năm sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, niềm vui trọn vẹn hơn nữa khi Kaneko được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng vào ngày 30-4-1975. Đối với Kaneko, điều này còn hơn cả việc đòi Mỹ rút quân khỏi VN mà ông ao ước, vì một nước VN thống nhất đã thành hiện thực.

Ngày 26-11-2007, Kaneko qua đời ở tuổi 83. Song, tấm zekken biểu hiện tấm lòng sắt son và thủy chung của một người Nhật đáng kính trọng vẫn còn đó, mãi mãi với nhân dân VN.

Thực hiện tâm nguyện

Nhân chuyến đi thăm VN lần đầu tiên của Kaneko vào tháng 10-1971, bà Shizue vợ ông đã gói ghém 10 tấm zekken “Mỹ hãy cút khỏi VN” mới khâu để ông đem tặng. Điều Kaneko không ngờ là những công nhân đón ông đến thăm xưởng đóng tàu ở Hải Phòng bằng bài hát Không cho chúng ném bom nguyên tử lần nữa, một bài hát của nhân dân Nhật Bản lên án việc Mỹ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Kaneko đã choàng tấm zekken đang đeo lên người Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi Thủ tướng chụp ảnh chung với đoàn. Sau này, Kaneko viết trong hồi ký: “Tấm ảnh đó là món quà kỷ niệm quý báu nhất của gia đình tôi, không bao giờ có thể quên được” .

Với số tiền hưu dành dụm, 4 người trong gia đình Kaneko đã thực hiện được tâm nguyện khi đến thăm TPHCM vào mùa hè năm 2002 và họ đã gửi tặng Viện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tấm zekken kỷ vật của Kaneko.

 

(*) Từ tiếng Đức “decken” - miếng vải ghi số trên ngựa đua, đọc trại ra là “zekken” trong tiếng Nhật để chỉ tấm vải ghi số hiệu của tuyển thủ trong các môn chơi thể thao.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo