xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người đào “vàng văn chương” trên núi

TIỂU QUYÊN

Lặng lẽ, mải miết với những con chữ gieo từ ký ức sâu thẳm, những trang chữ của nhà văn Cao Duy Sơn trải ra theo tháng ngày thành truyện, mang dáng dấp của núi đồi và những phận người ở miền cao. Văn của Cao Duy Sơn được ví như một “đặc sản” của đồng bào miền ngược

Độc giả luôn tìm thấy trong tác phẩm của Cao Duy Sơn hình ảnh con người vùng cao với những gian truân số phận. Bất hạnh cứ như những giọt sương từng ngày giăng giăng qua cuộc đời họ. Những phận người sống nghèn nghẹn trong sự chờ đợi dai dẳng và vô vọng; tình yêu của họ sâu thăm thẳm nhưng lại mịt mùng, không lối thoát vì những tập tục cổ hủ, những luật lệ hà khắc ngàn đời; cuộc đời họ cứ như một dòng sông trôi, chậm và bất tận. Mỗi câu chuyện là một nỗi đau lăn dài, in dấu lên những cuộc đời đầy sóng gió trong miền yên tĩnh ngỡ là thanh bình giữa chốn núi rừng.


Khoanh tròn thửa đất văn chương


Sức hút của các tác phẩm của Cao Duy Sơn chính là cách nhà văn chuyển tải nét văn hóa của đồng bào miền núi, khai thác tận vào những điều sâu thẳm và cả những bi kịch phận người. Chính vì vậy, câu chuyện của ông không chỉ đơn thuần là chuyện kể mà còn là một sự khám phá về đất và người.

Nhà văn Lê Văn Thảo nhận xét: “Cao Duy Sơn kể về cuộc sống của con người miền núi, nhưng tác phẩm đã vượt ra khỏi ranh giới địa phận người dân tộc mà đạt đến một ý nghĩa sâu xa hơn – nỗi đau chung vẫn hằn trong tâm thức con người”.


Vẫn là không gian trùng điệp của những mảng xanh núi rừng, nhưng ở mỗi một tác phẩm, Cao Duy Sơn lại có cách làm mới nhân vật, khai thác ở những góc độ mới hơn. Đó là cách ông vượt ra khỏi những bước lặp của chính mình khi quyết tâm chọn khai phá duy nhất mảnh đất của riêng mình trên cánh đồng văn học.

img
Nhà văn Cao Duy Sơn (ảnh do nhân vật cung cấp)


Cũng chính hình ảnh những con người sống trong khuôn khổ bó hẹp của đất, của cả những rào cản vô hình truyền đời không dễ gì bị phá vỡ và những nét văn hóa “tươi ròng” của người miền núi đã tạo nên dấu ấn rất riêng cho tên tuổi Cao Duy Sơn, gần như không lẫn vào đâu được.


Cao Duy Sơn nói ông không hề định hình rõ rệt một con đường nào khi đến với văn chương. Nhưng ngòi bút và cảm xúc đã dẫn dắt ông về nơi của ký ức. “Tôi không thể nào quên được những hình ảnh rất gần gũi quanh mình, cùng với bao số phận người.

Tôi nhìn thấy một nét đẹp văn hóa mãnh liệt ở nơi ngày xưa tôi đã sống. Và tôi viết, như một cách để giải tỏa cảm xúc. Cuối cùng, tôi chọn cho mình một mảnh đất riêng biệt để khai phá. Nhiều người nói tôi thích gieo nỗi buồn qua trang viết, nhưng đó không phải là nỗi buồn bi lụy mà để lại những cảm nhận sâu xa – đó là nỗi buồn của cuộc đời” – người con của đất Cô Sầu chia sẻ.


Viết để trả nợ quê hương


Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cô Sầu (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), Cao Duy Sơn có lợi thế đặc biệt khi khai thác đến tận cùng những đổi thay trong cuộc sống, văn hóa và nếp nghĩ của những con người vùng đất này. Địa danh lũng Cô Sầu trở lại nhiều lần trong tác phẩm của nhà văn đến mức tạo nên một hình dung quen thuộc cho người đọc về một miền đất xa xôi.


Nhà văn miền núi nói rằng ông viết bằng những câu chuyện từ ký ức – một cách để trả nợ quê hương mà cũng là trả nợ cảm xúc của chính mình. Và cho dù có muốn chạm ngòi bút đến dải đất nào, nhà văn miền núi Cao Duy Sơn vẫn chỉ muốn dõi theo hành trình của những con người ra đi từ miền đất núi, để thấu hiểu được rằng trên một hành trình ra đi thì có biết bao biến cố, sóng gió.

Trước khi Ngôi nhà xưa bên suối nhận được giải thưởng văn học, Cao Duy Sơn đã mang tác phẩm của mình trở về gửi tặng bà con trong làng như  một món quà tri ân của kẻ xa quê. Hình ảnh quê nhà đã hằn rất sâu trong ký ức mà có đi đến trọn đời, ông cũng không thể nào quên được. Ông bảo mình viết như để vương vất một chút tiếc nuối về những gì đã mất đi vì bao đổi thay thăng trầm của cuộc đời.


Cao Duy Sơn tự “đày ải” mình để khám phá cách thể hiện mới, bóc tách dần để có thể chạm đến cõi thẳm sâu trong suy nghĩ con người và những biến thiên văn hóa. Ông cho biết vừa hoàn thành tiểu thuyết Chòm ba nhà – là kết quả sau hơn 3 năm miệt mài với con chữ.

Tác phẩm mà theo nhà văn là không vượt ra khỏi “thửa đất văn chương”, nhưng bàn đến một vấn đề lớn lao hơn, khai thác ở góc độ sắc cạnh hơn. Nhà văn tuổi 53 chia sẻ: “Tôi xem sự viết cũng cần như là hơi thở, cuộc sống của mình vậy. Mỗi người là một vũ trụ. Viết, trước nhất là để chia sẻ cảm xúc với chính mình”. 

Nhà văn Cao Duy Sơn từng được biết đến với các tác phẩm Người lang thang (đoạt giải A văn học thiểu số Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993), Người săn gấu, Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Đàn trời, Hoa mận đỏ (tác phẩm đã được chuyển thể thành phim Khỏa nước sông Quy)... Nhưng chỉ đến khi Ngôi nhà xưa bên suối mang giá trị vượt ra ngoài các giải thưởng văn học trong nước với đề cử Giải thưởng Văn học ASEAN 2009, nhà văn Cao Duy Sơn mới được đóng dấu rõ rệt nhất “thương hiệu” là nhà văn chuyên về đề tài miền núi và văn chương của ông được ví như “đặc sản”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo