xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thạc sĩ da cam

Bài và ảnh: HỮU THẮNG

“Nhìn Nga đứng trước hàng trăm sinh viên hăng say giảng bài, khó ai hình dung được cô đã phải từng vật lộn với bao khổ đau bởi di chứng dioxin và sự kỳ thị của không ít người”. Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Dân lập Hải Phòng Hoàng Xuân Thung xúc động nói về thạc sĩ - giảng viên Đồng Thị Nga

Kết thúc chiến tranh, rời quân ngũ trở về xã Phù Lưu, huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng, ông Đồng Kim Lý lập gia đình với cô gái cùng quê Nguyễn Thị Phương. Hôm vợ sinh con đầu lòng, ông chết lặng khi thấy đứa bé có hình thù dị dạng: Khuôn mặt phẳng lì, không mắt, mũi, miệng. Nhìn con, bà Phương ngất đi...


Tuổi thơ côi cút


Hai năm sau, năm 1980, bà Phương mang thai lần thứ hai. Hôm bé chào đời, vợ chồng ông Lý cũng lại chết lặng. Đứa bé đen sì, mắt nhắm tịt, máu từ thân thể cứ rỉ ra... Tỉnh lại, bà Phương bế con vào lòng, ngậm ngùi: “Dù sao nó cũng là đứa con mình rứt ruột sinh ra”. Họ đặt tên con là Đồng Thị Nga.


Bệnh tình của Nga ngày một nghiêm trọng. Toàn thân cô có một lớp da sần sùi, xếp chồng lên nhau như vảy cá bao bọc. Lớp da ấy cứ nứt nẻ, lở loét, rỉ nước vàng. Đầu Nga thì trọc lóc, mưng mủ... Các bác sĩ không biết Nga bị bệnh gì.


Vợ chồng ông Lý vẫn nuôi hy vọng... Tuy nhiên, 5 lần bà Phương hạ sinh thì 4 lần ông Lý phải gạt nước mắt lầm lũi đi chôn những đứa con chưa được làm người trọn vẹn, chỉ còn mỗi Nga. Xóm làng thi nhau đàm tiếu: “Nhà Lý ăn ở thất đức nên sinh ra đứa nào cũng bị quái thai”.

Đám trẻ con thì xem Nga như “vật thể lạ”, đứa nói cô là “con cá chép có vảy”, đứa lại bảo “đồ dị nhân”. Chán nản, ông Lý lao vào rượu chè, cứ nghĩ rằng mình đã lấy phải cô vợ vô phúc nên con cái sinh ra mới vậy. Rồi ông ly dị, bỏ lại người vợ và đứa con tật nguyền.


Không có cha bên cạnh, tuổi thơ của Nga là những tháng ngày côi cút buồn bã. Đến tuổi đi học, bà Phương không thể xin cho con vào trường nào được, bởi nhà trường e ngại, phụ huynh thì không muốn cho con em mình chung lớp với Nga.

Bà Phương nén nỗi đau, tự dạy con học ở nhà. Lên 7 tuổi, Nga đã đọc thông viết thạo và bà Phương lại dắt con đến trường làng, may mắn xin được vào học lớp 2. Suốt năm học đó, không đứa trẻ nào dám ngồi cạnh Nga vì “sợ lây bệnh”.

Lên lớp 3, Nga phải chuyển trường nhưng vừa đi học được mấy ngày, cô hiệu trưởng đã bảo mẹ cô: “Nga bệnh tật thế chỉ cần học biết chữ là được rồi”. Bà Phương khóc òa, quỳ xuống xin nhưng hiệu trưởng cương quyết từ chối vì nhiều phụ huynh sợ Nga lây bệnh cho con em họ. Rất may, cô chủ nhiệm lớp biết chuyện đã xin cho em ở lại trường.


Cuộc sống vùng quê vốn đã khó khăn, hai mẹ con lại không có chỗ dựa. Bà Phương đành khăn gói ôm con rời quê lên TP Hải Phòng. Ít lâu sau, bà Phương tái giá...


Hai bức thư đặc biệt


Thương mẹ, hiểu được hoàn cảnh bản thân, Nga lao vào học. Năm 1998, Nga tốt nghiệp THPT rồi lên Hà Nội ôn thi ĐH. Lúc này, bệnh của Nga ngày càng nặng, song cô đã thi đỗ cả hai trường ĐH. Học ĐH ở Hà Nội chẳng bao lâu, bệnh tật nặng hơn khiến Nga đành phải bỏ dở, về xin học nguyện vọng 2 ở Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho gần nhà.


Vào đầu năm học chẳng bao lâu, GS-TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, nhận được hai bức thư không ghi tên người gửi. Bức thứ nhất của một nam sinh học cùng lớp với Nga, hằng ngày chứng kiến cảnh cô bị bạn bè châm chọc nhưng không đủ dũng khí để bảo vệ, cậu đành phải gởi thư cho hiệu trưởng.

img
"Thạc sĩ da cam" Đồng Thị Nga (đứng) trong một buổi lên lớp ở Trường ĐH Dân lập Hải Phòng


Đặc biệt, bức thư thứ hai như những lời sám hối của một người đàn ông: “Thưa ông, tôi là một người bất hạnh... Trên đất nước này, trường hợp như tôi không phải là duy nhất, song nỗi bất hạnh này một phần do chính tôi gây ra. Tôi đã hành hạ vợ tôi và bỏ cô ấy một cách tàn nhẫn, cũng chỉ vì nghĩ cô ấy ăn ở thất đức nên đã sinh ra những đứa con dị dạng, quái thai. Bây giờ, tôi càng đau khổ vì đã biết chính xác mình bị nhiễm chất độc da cam trong những năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên nên mới có những đứa con tội nghiệp như vậy... Con tôi đang học tại trường do ông làm hiệu trưởng. Cháu bị nhiễm chất độc da cam. Các bạn trong lớp không hiểu cháu bị bệnh gì nên sợ hãi và xa lánh; có bạn còn đề nghị đuổi nó khỏi lớp. Tôi van ông hãy giúp đỡ con tôi để cháu yên tâm học tập...”.


Đọc thư xong, suốt cả tuần, thầy Nghị truy tìm tung tích cô sinh viên bất hạnh và ông biết được Nga đang học tại khoa quản trị kinh doanh. Ngay lập tức, ông tập trung toàn bộ giảng viên, sinh viên của trường để nói về hoàn cảnh của Nga, kêu gọi mọi người cùng chia sẻ và chung tay giúp đỡ cô, bởi đơn giản cô chỉ là nạn nhân của chất độc da cam, nạn nhân của chiến tranh. Trường cũng quyết định miễn toàn bộ học phí cho Nga.


Như truyện cổ tích


Năm 2002, Nga tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Cuối năm đó, Nga đăng ký thi và được tuyển vào làm cán bộ giảng dạy chính thức của trường. Vài tháng sau, cô được kết nạp vào Đảng. Rồi Nga được nhà trường cử đi tu nghiệp thạc sĩ ở Trường ĐH Charler Stus - Malaysia. “Cử Nga đi du học, trường muốn bạn bè trong và ngoài nước biết rằng khi có niềm tin và sự nỗ lực vươn lên, bất kỳ ai cũng có thể làm được những điều kỳ diệu” - ông Hoàng Xuân Thung, Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường, nhận xét.


Giờ đây, Nga là một giảng viên tốt của trường, được đồng nghiệp đánh giá cao. Kết quả phiếu thăm dò của trường mới đây cho thấy Nga có khả năng cuốn hút sinh viên cao hơn nhiều giảng viên khác. Ông Thung xúc động: “Nhìn Nga đứng trước hàng trăm sinh viên hăng say giảng bài, khó ai hình dung được cô đã phải từng vật lộn với bao khổ đau bởi di chứng dioxin và sự kỳ thị của không ít người”.


Như một truyện cổ tích thường kết thúc có hậu, đầu năm 2009, “thạc sĩ da cam” lên xe hoa về nhà chồng. Ngày gia đình nhà bạn trai sang gặp gia đình Nga, bà Phương ngại ngần: “Tôi lo cho cháu lắm...”. Bố bạn trai Nga vội ngắt lời: “Bà cứ yên tâm, đời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả.  Các cháu xứng đáng được hưởng hạnh phúc”.


Đám cưới của Nga có rất đông người đến chúc mừng cô bé da cam bất hạnh ngày nào nay đã thành thạc sĩ - giảng viên ĐH thành đạt. GS-TS Trần Hữu Nghị cũng có mặt và ông gần như lặng thinh suốt bữa tiệc. Nghe mọi người chúc tụng cô dâu, ông rân rấn nước mắt. Trước khi ra về, ông nắm chặt tay Nga, cảm kích: “Mừng Nga! Em đáng được hưởng những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo