xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một tình yêu mộc mạc, thủy chung

NSƯT Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu)

Chỉ khi yêu người ta mới rút hết tâm can để đưa vào thơ, vào nhạc. Ông Cao Văn Lầu vì yêu vợ mà sáng tác bản Dạ cổ hoài lang. Tình yêu đã làm nên sức sống mãnh liệt của bài hát trong suốt 90 năm qua

Tôi gặp ông chỉ một lần duy nhất vào năm 1964 tại nhà nhạc sĩ Út Trong trên đường Trần Hưng Đạo-TPHCM ngày nay. Lúc đó, tôi chỉ là một tác giả trẻ, mới có năm bảy bài ca cổ, vài kịch bản cải lương. Gặp ông, tôi chỉ gật đầu chào rồi ngồi một góc nghe ông nói chuyện. Cốt cách của Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) rặt chất Nam Bộ. Không ngờ con người này lại đa sầu đa cảm đến vậy.

img
Cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: T. Liệu


Tiếng ca xé lòng


Năm 21 tuổi, ông cưới vợ, đó là bà Trần Thị Tấn, một mối tình đẹp và là người vợ toại nguyện của ông. Trong khoảng thời gian này ông đã sáng tác được một số bài bản ngắn mang tên Bá điểu, sau được đổi lại là Thu phong, gồm 8 câu nhịp 4.


Như một định mệnh về sự ra đời của bài Dạ cổ hoài lang, người vợ của ông ba năm sau ngày cưới vẫn chưa có dấu hiệu mang thai nên bị  gia đình ông  đuổi ra khỏi nhà vì tội “tam niên vô tự bất thành thê”. Gia đình buộc ông phải thôi vợ, cưới vợ khác. Thương vợ, ông đã lén tìm gặp bà nghe tâm sự của bà và sau đó gửi tâm sự của hai người vào bài bản 22 câu Chinh phụ vọng chinh phu. Sau đó, ông bỏ hai câu cuối để còn 20 câu nhịp đôi và tiếp tục đặt lời ca theo đúng nhịp. Tựa đề Dạ cổ hoài lang do thầy ông là nhạc sĩ Hai Khị gợi ý mà theo sư Nguyệt Chiếu lý giải, ông Hai Khị dựa vào bản Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn, có nội dung nói về nàng Tô Huệ đêm đêm dệt gấm, hễ nghe tiếng trống vọng về lại nhớ đến chồng để phân tích những điều còn bất nhất, chưa chuẩn trong bài bản này và gợi ý ông Sáu Lầu nên đặt tên Dạ cổ hoài lang – tức đêm khuya nhớ chồng.


“Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin nhạn

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau...”


Ông đã đặt nỗi lòng người vợ vào cảm xúc của mình để viết thay bà những tâm sự của một người phụ nữ phải sống xa chồng vì hoàn cảnh. Tôi thích bốn câu cuối: “Là nguyện cho chàng/ Đặng chữ an – bình an/ Mau trở lại gia đàng/ cho én nhạn hiệp đôi”.


Sáng 29-7, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu và Hội Sân khấu TPHCM sẽ tổ chức hội thảo 90 năm bản Dạ cổ hoài lang tại Nhà hát Thế giới trẻ – Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Từ ngày 29-9 đến 3-10, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ hội văn hóa Dạ cổ hoài lang với nhiều hoạt động và khánh thành khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Có lẽ trời cao đã thương cho tâm sự của ông nên ít lâu sau, vợ chồng ông tái hợp. Bà đã sinh cho ông 6 người con. Tình yêu đó tuyệt đẹp, gợi lên những cảm xúc chân thật của mỗi trái tim yêu khi biết nghĩ về nhau. Tôi cho rằng chính điều đó đã làm cho bài Dạ cổ hoài lang có sức sống bền bỉ khi được sự tiếp sức khai phá của ba thành phần: nhạc sĩ, soạn giả và nghệ sĩ.


Nền tảng của bài vọng cổ


Năm 1974, ông tiếp tục sáng tác thêm 10 bài bản nữa, riêng bản Dạ cổ hoài lang không dừng ở nguyên bản mà được các nhạc sĩ biến đổi hình thức, phát triển thành bài vọng cổ, một bài bản lớn của sân khấu cải lương, khiến những nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ phải thừa nhận: “Phi vọng cổ bất thành cải lương”.


Như vậy, bản Dạ cổ hoài lang lúc đầu tưởng sẽ chìm sâu vào tâm sự của một người đàn ông, thương vợ mà viết nên tâm sự của vợ nhưng chẳng mấy chốc lại vươn vai lớn mạnh. Tính từ khi các thế hệ nhạc sĩ sáng tác bài vọng cổ hoài lang nhịp 8 năm 1936 với lối ca ngân nga, chậm rãi của kép Năm Nghĩa (thân phụ NSƯT Bảo Quốc), qua bài Văng vẳng tiếng chuông chùa (Hãng đĩa Asia thời đó sản xuất) thì 11 năm sau, bản vọng cổ này lại tiến thêm một bước mới qua cách ca chắc nhịp, rõ chữ và mùi mẫn của nghệ sĩ Út Trà Ôn qua bài Tôn Tẩn giả điên (nhịp 16). Từ bài vọng cổ này, anh Mười - Út Trà Ôn được khán giả chú ý, được mời thu đĩa hát, rồi đến giai đoạn tôi viết Tình anh bán chiếu, ông nổi danh như cồn, được báo giới và khán giả phong tặng danh hiệu “Đệ nhất danh ca vọng cổ”. Lối ca buông nhịp mới mẻ, luyến láy ngọt ngào mạnh mẽ, xen lẫn những câu hò trong cách ca của anh Mười đã một lần nữa chứng minh sức sống giàu cảm xúc và một đời sống mở cho bài vọng cổ.


Về mặt làn điệu và cấu trúc âm thanh, bài vọng cổ là điệu ca, bản ca đặc nét Nam Bộ, đầy cảm xúc trong hơi điệu và nhạc cảm, chính vì thế nó chiếm vị trí chủ đạo trên sân khấu và các tụ điểm nhạc tài tử. Rồi theo dòng cảm hứng của nhạc sĩ, bài vọng cổ đã mở dần ra nhịp 32, 64 thậm chí lên tới 128 với nhiều lối ca.


Tôi ngưỡng mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ngưỡng mộ tình yêu chung thủy của ông. Một tình yêu đẹp mà bất cứ soạn giả nào khi cầm bút viết vọng cổ hoặc kịch bản đều mong muốn thể hiện, dù đó là bi kịch nhưng phải toát lên vẻ đẹp chân thật của tình yêu. Nghe Dạ cổ hoài lang sau 90 năm để thấy thiên hạ có nhiều kiểu yêu khác nhau nhưng tình yêu trong bản Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu mới thật là da diết, là hơi thở, nhịp đập của con người Nam Bộ, sống mộc mạc, thủy chung. Chính tình yêu đó đã giúp bản nhạc bền bỉ theo thời gian.

Đồng hành sáng tạo

Ông Cao Văn Lầu sinh năm 1892, tại xã Thuận Lễ, Tân An (nay là Mỹ Thuận, Tân An, Long An) dù tổ phụ của ông ở thành Gia Định. Cha ông – Cao Văn Giỏi (tự Chín Giỏi)- có sáu người con. Vì không chịu sự hà khắc của địa phương ở Thuận Lễ, Tân An, gia đình ông đã lìa bỏ nơi đây, dắt díu về phía Nam để tìm nơi sinh sống. Gia đình ông cùng với 19 gia đình khác đã đến Gia Hội (Bạc Liêu), khi ấy ông Sáu Lầu mới 6 tuổi. Năm 1900, vì gia đình túng quẫn, ông được gửi đến chùa Vĩnh Phước An cho hòa thượng Minh Bảo nuôi dạy. Ngày ngày, ông được học chữ nho, đọc kinh Phật và sau này học nhạc lễ. Ông Sáu Lầu là một trong những môn đệ xuất sắc của nhạc sĩ Hai Khị – nghệ nhân nhạc lễ nổi tiếng của Nam Bộ.


Biết bao thế hệ nhạc sĩ đã dựa theo Dạ cổ hoài lang để hình thành nên bài vọng cổ. Trong những buổi đờn ca tài tử, những tâm hồn nhạc sĩ đồng điệu đã sáng tạo thêm, nhấn nhá thêm để từ bài bản vọng cổ hoài lang nhịp 4, nhịp 8 lên tới nhịp 16, 32. Mà nhạc sĩ kéo dài phần nhạc thì soạn giả phải viết thêm lời ca. Nghệ sĩ biểu diễn cứ theo đó mà đồng hành sáng tạo suốt 90 năm qua.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo