xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người đàn bà thổi sáo

Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN

Đó là NSƯT Nguyễn Hồng Nhung, một nghệ sĩ chơi sáo hiếm hoi còn sót lại của dàn nhạc giao hưởng TPHCM

Khi tiếng sáo của chị vang lên, cũng là lúc khán phòng hoàn toàn tĩnh lặng. Cả không gian chỉ còn tiếng sáo réo rắt vút bay. Những bản nhạc kinh điển của W.A.Mozart, C.Saint-Saens, G.Faure, G.Kummer và A.Vivaldi... qua tiếng sáo của nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung cứ nhẹ nhàng len vào hồn người những thanh âm trong khiết.


Đêm diễn hiếm hoi


Sự xuất hiện trở lại của NSƯT Nguyễn Hồng Nhung trên sân khấu Nhà hát TPHCM trong đêm biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM vừa qua đã khiến những người yêu tiếng sáo của chị bất ngờ. Bởi cũng đã lâu lắm rồi, nhà hát gần như không tổ chức đêm diễn nào có tiết mục độc tấu sáo flute cùng dàn nhạc giao hưởng.

Nghệ sĩ thổi sáo Nguyễn Hồng Nhung cũng đã “lùi về tuyến sau” dành thời gian truyền dạy nghệ thuật thổi sáo cho thế hệ trẻ.

Đó cũng chỉ là những buổi biểu diễn không thường xuyên của loại hình nghệ thuật vốn rất kén khán giả như nhạc giao hưởng, thính phòng. Không phải bây giờ dòng nhạc này mới đi trong hành trình âm thầm mà mấy mươi năm trước, sáo flute cũng không phải là loại nhạc phổ biến với công chúng. Cơ hội biểu diễn trên sân khấu không nhiều nhưng niềm đam mê của người nghệ sĩ thì bất tận. Chỉ có sự kiên định, niềm đam mê và tinh thần chịu đựng những khắc nghiệt của nghề, người nghệ sĩ mới theo đuổi được đến cùng lĩnh vực nghệ thuật này.


Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung nói trong khoảnh khắc hòa mình vào nghệ thuật, tất cả kỷ niệm, cảm xúc đều đặt trọn cho những giai điệu. Có lẽ chính vì sự gieo mình trọn vẹn của người nghệ sĩ mà khán giả đã được thưởng thức một buổi biểu diễn mênh mông giai điệu trong sự tĩnh lặng tâm thức đến vô cùng.


Một đời đam mê


Đã trải nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc đời, có những mất mát đổ vỡ tưởng chừng không thể vượt qua, với nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung chặng đường nào cũng đầy ý nghĩa khắc ghi. Đến bây giờ, chị vẫn còn nhớ những ngày đầu gian nan theo học thổi sáo tại Nhạc viện Hà Nội. Những năm tháng bom đạn Mỹ dội xuống TP Hải Phòng, cả gia đình phải ly tán mỗi người một ngả.

Vậy mà nỗi lo lắng sợ hãi giữa thời khói lửa vẫn không thể khuất lấp được tình yêu nghệ thuật trong trái tim cô bé 13 tuổi ngày ấy. Nguyễn Hồng Nhung đã thi tuyển gần như hết vào các chuyên ngành: xiếc, nhạc kịch, múa ba lê... để rồi cuối cùng trúng tuyển vào khoa violon. Nhưng tiếng sáo của một người thầy đã hút hồn cô sinh viên đam mê nghệ thuật. Vậy là Nguyễn Hồng Nhung đã tìm đến flute - loại sáo có nguồn gốc từ châu Âu - vốn không dễ sử dụng.

img
NSƯT Nguyễn Hồng Nhung vẫn dành thời gian để luyện thổi sáo mỗi ngày


Tốt nghiệp trung cấp Nhạc viện Hà Nội, tiếp tục theo học và tốt nghiệp Nhạc viện Sofia (Bulgaria) vậy mà sự trở về của người nghệ sĩ thổi sáo lại gian nan. Gần 10 năm từ ngày chọn TPHCM làm nơi lập nghiệp, Nguyễn Hồng Nhung mới có thể đứng trên sân khấu biểu diễn khi Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM chính thức được thành lập.

“Lúc ấy, cuộc sống chỉ lay lắt, tạm bợ bằng những đêm đi biểu diễn tại các nhà hàng với số thù lao ít ỏi. Có nhiều lúc bi quan, tôi muốn ngược ra Bắc. Nhưng rồi vẫn hy vọng và vẫn chờ. Ngày xưa phải ăn mì luộc, đi tập nhạc dưới hầm, nhạc cụ không đủ vẫn theo đuổi được mà. Đâu dễ dàng gì từ bỏ được niềm đam mê. Mỗi một buổi biểu diễn là niềm hạnh phúc” - nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ.


Mãi thao thức cùng tiếng sáo


Dù đã qua thời xuân sắc nhưng nghệ sĩ thổi sáo Nguyễn Hồng Nhung vẫn còn giữ được dáng vẻ quý phái, đằm thắm của một người suốt đời gieo cảm xúc của mình trong nghệ thuật. Tiếng sáo của chị đi qua những thăng trầm của cuộc sống cũng ngân lên từ khoảng lặng se sắt. NSƯT Nguyễn Hồng Nhung nói: “Có khán giả nhận xét rằng trong tiếng sáo của tôi luôn phảng phất những thanh âm rất buồn. Ừ, có thể là như thế. Những ưu tư cuộc sống ta thường không hề muốn mang theo nhưng trong tiềm thức của mình vẫn giữ lại đó những nỗi niềm riêng”.


Trong đêm diễn, NSƯT Nguyễn Hồng Nhung cũng có tiết mục trình diễn kết hợp với người học trò thế hệ đầu tiên của mình - nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung nói thế hệ trẻ bây giờ không nhiều người có niềm đam mê với sáo, nhưng vẫn có những người đã tự tìm đến “cô giáo Nhung”. Và kinh nghiệm, tình yêu suốt mấy mươi năm với nghề đã được nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung truyền đạt lại cho thế hệ sau. Người nghệ sĩ dành cả đời mình đuổi theo tiếng sáo gọi đó là hạnh phúc, khi một con đường kết thúc thì cũng có nghĩa là sẽ có những con đường khác tiếp nối.


Trong gian phòng nhỏ được bài trí xinh xắn, màu sắc nhẹ nhàng của căn hộ ở chung cư An Phú, Q.2 - TPHCM hầu như ngày nào cũng vang lên tiếng sáo thanh thoát, làm dịu lòng người. Đó như một thói quen mà cũng là những giây phút tĩnh lặng cho người nghệ sĩ tìm lại mình trong từng giai điệu và trải lòng vào những thanh âm đã réo rắt cùng mình suốt một chặng đời dài.

Người ta gọi chị là người đàn bà thổi sáo, như thể tiếng sáo với những thanh âm trầm bổng đã vận vào cuộc đời của chị. Ngay cả khi đã có thể cho phép mình được nghỉ ngơi, nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nhung cứ mãi thao thức cùng tiếng sáo. Và người đàn bà thổi sáo ngày ngày vẫn tấu lên những khúc nhạc vọng ra từ trái tim mình. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo