xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn minh đô thị: Bắt đầu từ việc nhỏ

QUÝ HIỀN - THU HỒNG

Bằng những việc làm bình thường, thầm lặng, nhiều người đã góp phần làm cho đường phố ngày càng sạch đẹp hơn

Không ra quân rầm rộ, họ chỉ bắt đầu từ những việc nhỏ: nhặt rác để làm gương thuyết phục những người xung quanh “đừng xả rác bừa bãi!”. Hành động của họ đã góp phần thực hiện một cách hiệu quả chủ trương xây dựng “Nếp sống văn minh đô thị” của TPHCM.

img
Ông Phước đang nhặt rác ở một con hẻm thuộc khu phố 2, quận 3. Ảnh: Q.HIỀN

“Tôi là người nhặt rác”


Đầu năm 2009, người dân ở các con hẻm thuộc khu phố 2, phường 2, quận 3 - TPHCM ngạc nhiên khi thấy một ông già khoảng 60 tuổi lụi cụi nhặt từng bịch ni lông còn cắm ống hút, từng mẩu giấy rơi vãi mà ai đó vứt ra sau khi rời các quán ăn.

Đồ nghề ông mang theo là cái gắp rác, giỏ nhựa có quai  cùng chiếc xe đạp cũ.  Ông tên là Dương Văn Phước (ngụ tại chung cư 16/16 Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3) sống bằng nghề làm thuê nay kiêm thêm “nghề nhặt rác đường phố”.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phước tự hào: Tôi là người nhặt rác. Đi nhặt rác để làm đẹp phố phường đâu có gì là xấu, quan trọng là việc làm của mình có thuyết phục được người khác bỏ tính xấu hay không”.

Chị Thanh Vân, một người dân ở tổ 7, khu phố 2, trầm trồ: “Nhờ việc làm của bác Phước mà con hẻm sạch đẹp hẳn. Không cần nhắc nhở, các hộ dân cũng ý thức hơn!”.


Kết quả sau 2 tháng ông Phước “ra quân”, rác đã giảm hẳn ở các tuyến hẻm của khu phố. Đặc biệt, chung cư 16/16 Nguyễn Thiện Thuật, nơi nổi tiếng nhiều rác, nay cũng... sạch hẳn.

“Gần đây, tôi ít “đi tuần” hơn vì người dân đã bớt thói quen vứt rác bừa bãi. Song vẫn phải canh chừng khách vãng lai để nhắc nhở...” - ông Phước  hồ hởi nói.

Việc xây dựng lực lượng nhặt rác đường phố bắt đầu từ mô hình “Khu phố không rác” mà UBND TP giao quận 3 thực hiện. Ông Huỳnh Gia Giang, Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận 3, cho biết: Giữa năm 2008, khi TP có chủ trương, khu phố 2 đã được chọn làm điểm.

“Chủ trương thì tốt nhưng tìm lực lượng nhặt rác là điều không dễ bởi không ai chịu làm, cuối cùng phường phải vận động chú Phước... làm gương. Từ kết quả của khu phố 2, sau đó khu phố 3 và khu phố 1 cũng triển khai mô hình “Khu phố không rác”- ông Giang phấn khởi.


Tuyên chiến với rác đống, rác bao


Đi một vòng quanh tuyến đường Lạc Long Quân và Lý Thường Kiệt, hai tuyến đường điểm của phường 11, quận Tân Bình - TPHCM, điều dễ nhận ra là những bao rác không còn xếp hàng dưới lòng đường hay nằm ở các gốc cây.

Đi cùng chúng tôi, ông Đặng Viết Cẩn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường 11, phấn khởi: “Cô nhìn xem, sau 6 tháng ra quân, tuyến đường này sạch sẽ hẳn, không còn rác đống, rác bao vứt lăn lóc. Trụ điện, tường cũng không còn bị mấy “ông” khoan cắt bê tông bôi bẩn”.

Theo ông Cẩn, qua một năm hoạt động, ngoài những kết quả nêu trên, CLB còn vận động gần 100% hộ dân ở tuyến đường Quảng Hiền không xả nước từ trên cao xuống bởi đây là  thủ phạm gây ra nhiều vụ té ngã cho người đi đường. CLB còn rất thành công trong mô hình “1+2”. 

Theo đó, đảng viên ngoài việc bảo đảm gia đình mình tham gia, còn phải vận động 2 hộ liền kề nhà chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Đều đặn mỗi tuần, hội viên sẽ đi tuyên truyền vận động người dân tập kết rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

“Hộ nào buôn bán, chúng tôi lưu ý  không được xả nước thải xuống đường. Mỗi tháng, thành viên CLB còn xuống đường gom rác, tháo gỡ quảng cáo bẩn” - ông Cẩn cho biết.


CLB Hội CCB bảo vệ môi trường phường 8, quận Tân Bình cũng hoạt động hiệu quả không kém. Ông Phan Phục, chủ tịch hội CCB phường, hào hứng: Tháng 2-2009 thành lập, qua 6 đợt vận động, đến nay hội viên và người dân đã xóa 632 quảng cáo bậy, gỡ bỏ 125 mẫu rao vặt không đúng quy định.

Bước đầu, người dân đường Lạc Long Quân, Thành Mỹ cũng đã ý thức hơn, không còn bỏ rác bao, rác đống ngoài đường. “Sắp tới, CLB sẽ chia nhỏ thành 7 CLB tại 7 khu phố để quản lý từng tuyến hẻm, đường của khu phố” - ông Thục nói.


Làm gương!  


Tuyên truyền có người nghe, người không, thậm chí có người còn phản ứng lại. Nhiều thành viên trong CLB Hội CCB phường 11, quận Tân Bình phải đích thân làm. Điển hình là ông Hồ Học, tổ trưởng tổ tự quản đường Lạc Long Quân, là thương binh 2/4, bị cụt một chân nhưng vẫn xung phong quét rác, bốc gỡ quảng cáo bẩn. Ông Vũ Văn Nhã, ngoài 80 tuổi, thuộc Chi bộ Hội CCB khu phố 1, cũng tự nguyện xin một thùng sơn, cây cọ để “xóa sổ” hàng trăm quảng cáo bẩn trên tường, cột điện tuyến đường Lý Thường Kiệt. Nhiều người dân thấy vậy tự giác cùng làm theo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo