xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tôn vinh những báu vật nhân văn sống

Yến Anh

Với việc phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, lần đầu tiên các nghệ nhân văn hóa phi vật thể được Nhà nước tôn vinh và đãi ngộ. Năm 2010, sẽ có đợt phong tặng đầu tiên

Những nghệ nhân văn hóa dân gian - báu vật nhân văn sống - từ nay sẽ có thể tạm yên tâm, bởi theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua, “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể”.


img
Nghệ nhân hát xẩm chợ cuối cùng thế kỷ Hà Thị Cầu và Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ đã xấp xỉ tuổi 90. Ảnh: A.Dũng


Cuộc sống đều khó khăn


Từ trước đến nay, các nghệ nhân, người lưu giữ vốn liếng di sản và truyền dạy ngón nghề nghệ thuật dân gian cho các thế hệ người dân địa phương cũng như giới nghệ sĩ gần như không nhận được chính sách đãi ngộ nào.

Từ năm 2002, Hội Văn nghệ dân gian bắt đầu phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, nhưng sự tôn vinh này chủ yếu vẫn là tôn vinh tinh thần. Chính vì thế, phần lớn các nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc vẫn phải “tự yêu lấy nghề” và làm mọi cách để giữ nghề.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu, người hát xẩm chợ cuối cùng của thế kỷ, ở tuổi gần chín mươi, dù đã nhận được nhiều giải thưởng nhưng những năm cuối đời vẫn sống trong sự nghèo khó trong căn nhà nhỏ, mùa đông rét cóng không có nổi tấm đệm để nằm.

Khách đến chơi nhà thương quá, bàn nhau mua tặng cụ tấm đệm rồi tìm người hảo tâm mỗi tháng tặng cụ mấy trăm ngàn đồng. Một số nghệ nhân hát bài chòi được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian ở Bình Định như Minh Liễu, Minh Đức vẫn thường xuyên phải đi diễn tuồng để kiếm sống.

Trường hợp nghệ nhân Minh Đức còn đặc biệt hơn bởi chồng mất sớm, một mình bà phải nuôi sáu người con và bà mẹ chồng, để theo đuổi nghề hát, nghệ nhân này phải làm thêm đủ nghề từ làm ruộng đến bán vé số, bán chổi lông gà...

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ, một trong số ít những nghệ nhân còn sót lại của nghệ thuật ca trù, tuổi cũng đã xấp xỉ chín mươi, tâm sự nhiều lúc thấy buồn vì tuổi già rồi mà cuộc sống vẫn khó khăn.

Thỉnh thoảng nếu đoàn tìm hỏi, nghiên cứu về ca trù hay tham gia biểu diễn thì cũng có ít thù lao, nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào con cái. Nghệ nhân chỉ mong có một chút hỗ trợ vật chất để tuổi già bớt đi nhọc nhằn, có thêm nguồn động viên trong việc truyền nghề cho thế hệ trẻ.


Sẽ quá muộn, nếu...


Phần lớn các nghệ nhân, những người giữ lửa văn hóa truyền thống đều đã ở tuổi xưa nay hiếm và nếu không nhanh chân thì có khi họ đã không còn sống để hưởng sự trân trọng đãi ngộ này.

TS Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẳng định việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân văn hóa phi vật thể đang trở thành vấn đề rất cấp bách bởi hầu hết các nghệ nhân đều đã tuổi cao sức yếu, một số loại hình đứng trước nguy cơ mai một do chỉ còn một, hai nghệ nhân nắm giữ.

Sự mai một của văn hóa phi vật thể rất nhanh chóng và việc phong tặng danh hiệu này bên cạnh ý nghĩa đãi ngộ đối với các nghệ nhân còn hướng đến mục đích khuyến khích trao truyền di sản cho những người trẻ.

Ngay sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được thông qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng bắt tay xây dựng dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện.

Bà Minh Lý cho biết bộ rất nóng lòng vào cuộc, nhưng quy trình phong tặng chắc chắn sẽ phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa với cộng đồng địa phương để có thể xác định được những nghệ nhân thật sự xứng đáng, nói cách khác là phụ thuộc không ít vào sự tích cực của địa phương. Dự kiến, ngay trong năm 2010 sẽ có đợt phong tặng  danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đầu tiên.


Cũng theo bà Minh Lý, các nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú sẽ nhận được một phần quà tặng trị giá 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều mà các nhà quản lý đang tính đến là các chế độ đãi ngộ khác, như: bảo hiểm y tế, thăm hỏi khi ốm đau, việc hiếu, được mời tham dự các sự kiện đặc biệt của địa phương...


Hai tiêu chí để xét chọn


Đến thời điểm này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho gần 120 nghệ nhân trên cả nước. TS Nguyễn Thị Minh Lý cho biết việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú sẽ kế thừa danh sách này của Hội Văn nghệ dân gian, tuy nhiên không phải tất cả nghệ nhân dân gian sẽ trở thành nghệ nhân nhân dân hay ưu tú vì mỗi đơn vị phong tặng lại có những tiêu chí riêng.


Theo bà Minh Lý, việc xét duyệt nghệ nhân nhân dân sẽ dựa vào hai tiêu chí quan trọng, một là phải có tài năng xuất sắc, thể hiện ở kiến thức mà nghệ nhân nắm giữ như các bài bản hay trình độ kỹ thuật mà họ thể hiện. Hai là, phải có vai trò xứng đáng với cộng đồng, có sự cống hiến, tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các nghệ nhân đều đã cao tuổi và nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo