xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà văn hóa Huỳnh Văn Tiểng đã ra đi

VU GIA

Xin dâng nén tâm nhang vĩnh biệt nhà văn hóa, nhà cách mạng lão thành, người con ưu tú của đất Nam Bộ hào sảng. “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi/ Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”. Lời dặn dò đó, lớp lớp con cháu tiếp tục thực hiện, ông hãy yên tâm về với thế giới người hiền

Bước vào nghề báo, cứ mỗi năm vào các ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Nam Bộ kháng chiến, Mặt trận Thống nhất..., tôi đều xin gặp các vị cách mạng lão thành như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Huỳnh Văn Tiểng... để nghe các vị kể lại một thời hào hùng của dân tộc, của nhân dân Nam Bộ mà các vị là người trong cuộc. Đối với các vị như Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, bản thân tôi có sự quý trọng riêng. Nói quý trọng riêng là vì tuổi trẻ đô thị miền Nam chúng tôi “biết” các vị ấy rất sớm qua các bài hát mà Lưu Hữu Phước viết nhạc, Huỳnh Văn Tiểng viết lời.


Người góp phần làm nên đặc trưng văn hóa Nam Bộ


Giới học sinh, sinh viên đô thị miền Nam ngày đó ai cũng thuộc bài Tiếng gọi thanh niên mà chính quyền Sài Gòn sửa một vài từ làm quốc ca cho chế độ; rồi ít nhiều cũng có vang lên trong những buổi liên hoan, những đêm lửa trại của thời cắp sách đến trường: “Xếp bút nghiên ta lên đường tranh đấu/ Xếp bút nghiên ta coi thường công danh như phù vân”... Hát rồi ngâm thơ Thâm Tâm: “Chí nhớn chưa về bàn tay không” mà thấy mình lớn hẳn lên, thấy mình trưởng thành, dù chưa ai quá tuổi đôi mươi.


Khi vào đại học, gặp những bạn bè dân Nam Bộ chính hiệu thì họ tự hào về các vị lắm. Và tôi cũng chỉ biết đến thế.


Sau ngày giải phóng, nhất là khi tôi vào nghề báo thì có điều kiện tiếp cận, trò chuyện dù vài ba lần, mỗi lần lưng nửa tiếng nhưng các vị đã để lại trong tôi nhiều bài học làm người. Nhà văn hóa, nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng đến bây giờ trước mắt tôi vẫn là “anh học trò chân trắng” hiền lành, nói năng điềm đạm. Tuy nhiên, qua trò chuyện, tôi thấy ông rất rạch ròi chuyện đúng - sai, rất tin vào cuộc sống, tin vào tương lai đất nước, tin vào lớp trẻ, rất cảm thông với lớp trẻ.

Một lần, tôi hỏi nghe thiên hạ đồn hồi thời Tây, ông dám chửi con trai vị Đốc phủ sứ..., ông cười: “Trẻ con mà nhưng không hiểu sao ngay từ hồi nhỏ, tôi đã không ưa Tây, không ưa bọn cường hào ác bá, kể cả con cái của họ. Hễ có dịp là tôi... gây sự!”. Vì vụ đó mà ông suýt bị bắt, khi mới 10-11 tuổi.

img


Tuổi càng lớn, bệnh tật càng “sinh sự” nhưng trí óc ông vẫn minh mẫn, vẫn theo dõi báo chí hằng ngày. Tên tuổi của ông cùng với hai người bạn thân của mình là Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước, lập bộ ba Hoàng (Huỳnh) – Mai – Lưu, trở thành đặc trưng văn hóa Nam Bộ.

Giáo sư Trần Văn Giàu rất quý trọng và đánh giá cao ba nhân vật này trong phong trào văn hóa văn nghệ yêu nước không chỉ của một thời mà của nhiều thời. Một lần, Giáo sư Trần Văn Giàu nói với tôi: “Mình đã dặn dò hết rồi, khi nằm xuống, cử bài Lên đàng là đủ”. Điều này cho thấy bài hát Lên đàng (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhà cách mạng lão thành, giáo sư, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu. Với tôi, đó cũng là cái “lộc” của trời cho người nghệ sĩ.


Nào tung bay chí trai


Sau ngày giải phóng, bài hát Giải phóng miền Nam làm cho lớp trẻ chúng tôi xúc động, không ai không thuộc. Tác giả bài hát là Huỳnh Minh Siêng. Một lần gặp nhà văn hóa, nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng, tôi khen bài hát ấy và nói không biết Huỳnh Minh Siêng là ai. Nhà cách mạng lão thành cười sảng khoái, cho biết vì giữ bí mật nên tác giả là Huỳnh Minh Liêng, nghĩa là lấy chữ cái đầu của ba họ: Huỳnh (Văn Tiểng), Mai (Văn Bộ), Lưu (Hữu Phước) nhưng vì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết tháu nên anh em sắp chữ L thành chữ S, thành ra mới có tác giả Huỳnh Minh Siêng. Khi phát hiện, anh em bàn sửa lại thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói cứ để vậy. Siêng có ý nghĩa siêng năng cũng hay. Vậy là... chết tên!


Hỏi về sự ra đời bài hát này, cụ kể rất thú vị. Ngày đó, khi Mặt trận Giải phóng miền Nam được thành lập, bộ ba Hoàng – Mai – Lưu được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát cho mặt trận. Ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam lúc đó, đề nghị ông bàn với anh em thể hiện cho được tính chất quốc ca, cần nhắm vào đối tượng cho cả nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ; kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ tay sai của Mỹ; nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước; tên tác giả cũng phải thay đổi để tỏ rõ tính trung lập của chế độ Cộng hòa miền Nam VN. Dựa vào ý kiến chỉ đạo ấy, ba người cùng nhau bàn bạc từng lời từng ý và bài hát ra đời...


Tối qua (4-6), nghe tin ông qua đời, trong tôi vẫn vang vọng lời bài hát mà ông đã góp một phần tâm huyết của mình: “Đây Cửu Long hùng tráng/ Đây Trường Sơn vinh quang”... Xin dâng nén tâm nhang vĩnh biệt nhà văn hóa, nhà cách mạng lão thành, người con ưu tú của đất Nam Bộ hào sảng. “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi/ Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”. Vâng, lời dặn dò đó, lớp lớp con cháu tiếp tục thực hiện, ông hãy yên tâm về với thế giới người hiền.

Ông Huỳnh Văn Tiểng, SN 1926, nguyên quán Củ Chi, Sài Gòn. Trước Cách mạng Tháng Tám, hoạt động trong Tổng hội Sinh viên, tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch), là một trong sáu đại biểu được bầu tại Sài Gòn của Quốc hội khóa I. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã từng là Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói VN, Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM...

Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa V. Năm 1983, ông chuyển sang công tác trong Ban lãnh đạo MTTQ TPHCM.


Ông mất vào ngày 4-6-2009, tại TPHCM, hưởng thọ 83 tuổi. Linh cữu  quàn tại Nhà tang lễ TPHCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo