xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cô giáo của trẻ khuyết tật

Bài và ảnh: Ngân Hà

Bệnh tật, bất hạnh trong cuộc sống riêng tư nhưng cô Hạnh vẫn không buông xuôi. Nhiều năm liền, cô là giáo viên giỏi của trường

Tôi đến tìm cô Trần Thị Hạnh, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Tương Lai, quận 5- TPHCM. Thật bất ngờ, trước mắt tôi là hàng chục đứa trẻ trắng tròn như cục bông, có khuôn mặt y hệt nhau. Thấy người lạ, chúng khoanh tay chào rồi tranh nhau mang ghế mời khách ngồi. Giữa những đứa trẻ trắng tròn ấy là cô giáo Hạnh, một phụ nữ gầy gò. Cô bảo các bé: “Các con ngoan lắm, bây giờ tự học để cô nói chuyện với khách nhé”.


Cô là mẹ...


Sinh ra và lớn lên ở Long An, học hết phổ thông, Hạnh vào làm công nhân nhà máy dệt. Trong một chuyến cùng bạn bè đến thăm Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Tương Lai, xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ bất hạnh, Hạnh tình nguyện ở lại làm cô giáo.

Dạy học đã khó, dạy cho trẻ khuyết tật càng khó, nhất là đối với người “tay ngang” như Hạnh. Bằng sự kiên trì và tấm lòng với trẻ khuyết tật, ngày này qua tháng nọ, vừa dạy vừa học, thấm thoát cô đã gắn bó với ngôi trường này hơn 17 năm.

img
Cô giáo Trần Thị Hạnh trong lớp học


Hiện cô đang dạy lớp một và lớp hai cho 11 “đứa trẻ” từ 14 đến 21 tuổi. 11 học trò của cô giáo Hạnh là 11 trình độ khác, không em nào giống em nào. Cô kể: “Có khi một bài toán dạy một tuần, thậm chí hai tuần mà các em cũng không làm được. Nhưng tôi không bao giờ cho phép mình nản lòng”.

Học hành đã vậy, chuyện đánh nhau, cắn nhau cũng thường xảy ra với những đứa trẻ thiểu năng về trí tuệ này. Vì vậy, không chỉ dạy học, cô giáo còn kiêm luôn cả... cô nuôi dạy trẻ, chuyên gia tâm lý, thậm chí là cha mẹ của trẻ.


Lặn lội thân cò


Đang khỏe mạnh bình thường, năm 2006, cô bỗng thấy người mệt lả, đuối sức. Cứ tưởng do mình vừa dạy vừa đi học lại chăm con nhỏ nên kiệt sức; nào ngờ, khi khám sức khỏe định kỳ, cô được các bác sĩ cho biết bị viêm gan siêu vi C, đã chuyển sang giai đoạn xơ hóa gan. Cô tâm sự: “Tôi thật sự bị choáng khi biết bệnh của mình. Số tiền điều trị bệnh hơn 100 triệu đồng, một số tiền quá lớn so với đồng lương giáo viên của tôi”.


Giữa lúc đang lo lắng, tuyệt vọng vì bệnh tật, cô giáo Hạnh lại phải gánh thêm nỗi đau khi người bạn đời đã bỏ mẹ con cô mà đi. Bệnh tật hành hạ, hạnh phúc gia đình tan vỡ khiến cô quỵ ngã. Không ăn, không ngủ, lo lắng buồn phiền khiến cô từ 42 kg chỉ còn chưa đến 37 kg. “Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi bỗng nghĩ, mình chết thì cũng không sao, nhưng hai con mình phải sống. Muốn vậy, bằng mọi giá, phải cố gắng điều trị bệnh để sống nuôi con, đến lớp”.


Ban đầu cô còn giấu giếm, âm thầm chịu đựng nhưng đến lúc bệnh tình trầm trọng, cô đành phải chia sẻ cùng gia đình, đồng nghiệp. Anh em, đồng nghiệp rất nghèo nhưng lại giàu tình cảm. Mỗi người góp chút ít giúp cô trị bệnh. Cô hiệu trưởng còn cố gắng liên lạc với các tổ chức xã hội để xin hỗ trợ trị bệnh cho cô.


Không buông xuôi


Có những lần vô thuốc người mệt lả, đứa con trai lớn nằm cạnh lên cơn suyễn, đứa nhỏ thì sốt cao, cô tưởng mình không gượng dậy nổi. Nhưng rồi, cũng chính các con lại là động lực giúp cô đứng lên, vượt qua. Sức khỏe kém, không thể tự chạy xe máy, hằng ngày cô lại ngược xuôi trên những chuyến xe buýt đến trường, đưa đón con, đi chợ...

Khi kể cho tôi nghe về những tháng ngày thân cò lặn lội một mình làm việc, nuôi con, cô cố không khóc nhưng hai mắt lại đỏ hoe: “Buồn phiền rồi cũng qua, giờ tôi chỉ mong mình hết bệnh để tiếp tục đến lớp chăm sóc, dạy dỗ các cháu và lo cho hai đứa nhỏ”.


Cô Phạm Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường Tương Lai, nhận xét: “Bệnh tật, bất hạnh trong cuộc sống riêng tư nhưng cô Hạnh vẫn không buông xuôi. Nhiều năm liền, cô là giáo viên giỏi của trường. Tất cả chúng tôi luôn ở bên cạnh cô và cầu mong bệnh của cô sẽ được chữa lành”.

Khi chúng tôi thực hiện loạt bài viết này thì nhận được tin 2 trong số 532 CNVC-LĐ bị bệnh hiểm nghèo được các cấp CĐ lập danh sách gởi về LĐLĐ TPHCM để hỗ trợ đã mãi mãi ra đi.

 

Họ đã không đủ sức lực, thời gian để chờ đợi. Chính vì vậy, mọi sự giúp đỡ trong lúc này, dù nhiều hay ít đều vô cùng quý báu bởi nó sẽ tạo thêm cơ hội sống cho những người đang chiến đấu chống lại bệnh tật và cái chết.

 

LĐLĐ TPHCM, Báo Người Lao Động xin chân thành cảm ơn các đơn vị, cá nhân đã ủng hộ chương trình: Công ty Thuốc lá Sài Gòn (20 triệu đồng); CĐ Cao su VN (10 triệu đồng), LĐLĐ quận Bình Thạnh – TPHCM (10 triệu đồng), Công ty Cổ phần Lilama 18 (1 triệu đồng), Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa (500.000 đồng), Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Mạc Thị Bưởi (3 triệu đồng).

 

Đặc biệt, chân thành cảm ơn tập thể đoàn viên Công ty Hong Ik Vina- KCX Tân Thuận đã trích 500.000 đồng từ giải thưởng thể thao của đơn vị để đóng góp, ủng hộ.

 

Chúng tôi mong các doanh nghiệp, cơ quan, các nhà hảo tâm hãy tiếp tục giúp đỡ các CNLĐ bị mắc bệnh hiểm nghèo. Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ vui lòng gởi về: Ban Tài chính Kinh tế LĐLĐ TPHCM; số 14 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1- TPHCM; tài khoản số 102010000086297- Sở Giao dịch II Ngân hàng Công Thương TPHCM.

 

Hoặc Ban Công tác xã hội Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo