xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Cư dân danh dự” của Trường Sa

Bài và ảnh: Hoàng Yến

Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em... Có lẽ đến nay, ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn là bài hát viết về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc được nhiều người yêu mến nhất

Bài hát càng thấm thía, xúc động lòng người hơn mỗi khi Xuân về Tết đến. Ông cũng được xem là người có nhiều ca khúc hay về Trường Sa...
Khi Chưa đặt chân đến Trường Sa
Tôi bất ngờ khi nhạc sĩ Hình Phước Long nói: “Mình viết bài này khi chưa hề đặt chân đến Trường Sa”. Rồi ông sôi nổi kể về cơ duyên ra đời của Gần lắm Trường Sa: “Năm 1980, lúc đang là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh, tôi được mời đến Lữ đoàn 146 - hậu cứ Trường Sa đóng tại huyện này- để dàn dựng chương trình cho đơn vị tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Phú Khánh (cũ). Lúc ấy, không khí của tỉnh đang rất rộn ràng khi huyện đảo Trường Sa được chuyển từ đặc khu Bà Rịa-Vũng Tàu về Phú Khánh. Đúng dịp có đợt chuyển quân từ đảo về đất liền, tôi lân la hỏi thăm anh em bộ đội để tìm ý tưởng cho chương trình văn nghệ.
 
img 

Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh  ngày 9-7-1950 tại làng Hà Liên, xã Ninh Hà, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa; hiện sống và làm việc tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đã sáng tác trên 300 ca khúc, trong đó nhiều ca khúc đã được dàn dựng biểu diễn, xuất bản.

Tôi tò mò: “Đảo lớn cỡ nào, đi mấy ngày mới tới...?”. Mấy anh lính trẻ trả lời: “Đảo lớn như sân vận động, đảo nhỏ như sân bóng chuyền, có đảo thì chìm lúc nước lên, đi từ Cam Ranh mấy ngày mới tới...” Chưa thỏa, tôi nói với lữ đoàn trưởng 146: “Anh có hình ảnh gì về Trường Sa thì cho tôi xem”. May sao, lữ đoàn trưởng chợt nhớ: “Mình mới nhận bộ phim tài liệu Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ, sẵn đây chiếu cho cậu xem luôn”. Đúng là kỳ vĩ và lãng mạn! Sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi những người lính trẻ nhớ về đất liền, bao tình cảm dạt dào chỉ biết tỏ bày qua những cánh thư... Tôi cảm thấy một cái gì đó rất lạ dấy lên trong suy nghĩ và quả quyết ghi vào lưu bút của lữ đoàn: sẽ có một bài hát về Trường Sa!”.
Bài hát ấy vẫn chưa được viết trong năm 1980. Đến năm 1982, một chiều, ông đạp xe trên đường Trần Phú dọc biển Nha Trang, chợt thấy một cô gái đang đứng nhìn ra biển, mái tóc bay bay trong gió. Ông chợt nghĩ: Nếu cô gái này có người yêu đang ở Trường Sa, chẳng biết cô có nghe được tiếng lòng của chàng trai gởi về đất liền qua sóng biển? Trong đầu nhạc sĩ chợt hiện tứ “không xa đâu Trường Sa ơi”. Vậy là lấy giấy bút ra ghi lại, sau đó ông về Ninh Hòa thăm nhà. Trên xe, cảm xúc và những dòng nhạc về Trường Sa cứ ngồn ngộn trong lòng người nhạc sĩ trẻ. “Tới nhà, má dọn cơm nhưng tôi nói sẽ ăn sau, rồi ngồi ngay tại sân, dưới ánh sáng mờ mờ của bóng đèn chạy máy nổ, viết một mạch cả lời lẫn nhạc bài Gần lắm Trường Sa. Bản nhạc viết trong đêm đó cũng chẳng sửa chữa, thêm bớt một chữ nào nữa. Bài hát này sau đó được Đài Phát thanh Phú Khánh, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đoàn ca múa nhạc dàn dựng biểu diễn, phổ biến rất nhanh qua sự thể hiện của nhiều ca sĩ tên tuổi như Ánh Tuyết, Anh Đào, Long Nhật,...” - nhạc sĩ nhớ lại.
Năm 1983, Hình Phước Long viết ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, tham dự cuộc thi sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và đoạt giải nhì (không có giải nhất).
Khi đặt chân đến Trường Sa
Đến năm 1984, ông mới được ra thăm Trường Sa. Chuyến đi kéo dài đến gần một tháng, ông cùng đoàn thăm được 13 đảo. Ông nói: “Hồi hộp lắm vì đây coi như là chuyến kiểm nghiệm những gì tôi đã viết về Trường Sa. Hóa ra, dẫu chưa đặt chân tới nhưng những gì tôi cảm nhận và viết về nơi này đều rất chân thực. Khi biết có tác giả Gần lắm Trường Sa ra đảo, anh em bộ đội đứng chờ trước đó rất lâu. Tôi vừa xuống tàu thì họ túa đến vây quanh, ôm chầm thân thiết như người quen lâu ngày gặp lại. Quá xúc động, trong khi còn chếnh choáng vì say sóng nhưng anh em bộ đội yêu cầu, tôi đã cầm đàn ghita đứng hát giữa đảo. Khi ấy, tôi và nhiều anh em bộ đội đã khóc...”.
Ấn tượng nhất đối với nhạc sĩ Hình Phước Long là khi ở đảo Sơn Ca, một đảo tương đối lớn của quần đảo Trường Sa. Hoàng hôn buông xuống, nhiều anh em bộ đội đã dồn về mé Tây đảo ngồi nhìn ra biển; đảo bỗng yên ắng lạ thường. Nhạc sĩ thấy lạ, lân la hỏi chuyện thì được biết đó là một thói quen. Lính đảo gởi lòng về đất liền, nơi quê hương có cha mẹ, vợ con, người yêu... cùng biết bao nỗi nhớ không thể thốt thành lời giữa trùng khơi biên cương Tổ quốc. Tâm sự với nhiều anh em, ông nghiệm ra một điều: lính đảo Trường Sa không sợ gian khổ, không sợ cái chết mà chỉ sợ cô đơn, sợ người đất liền có lúc nào đó quên rằng nơi đây đang có họ...  Sau chuyến đi, ông viết tiếp một số ca khúc khác: Tiếng hát đảo Sơn Ca, Đêm trên đảo Thuyền Chài, Tâm tình người lính Trường Sa...
Đến nay, ông đã sáng tác 15 ca khúc về Trường Sa, in thành tập nhạc Gần lắm Trường Sa. Ông nói: “Tôi sẽ còn tiếp tục viết về đất và người nơi huyện đảo ruột thịt này, bởi Trường Sa đã coi tôi như một cư dân danh dự...”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo