xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ quan thế giới mới, sao chỉ có 7?

THẢO HƯƠNG

Hơn 100 triệu người của thế kỷ 21 đã bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới. Kết quả đã được công bố vào ngày 7-7-2007 trong sự hân hoan của những nước sở hữu kỳ quan mới và sự thờ ơ của một số nước, thậm chí sự giận dữ của UNESCO, cơ quan đang bảo vệ 850 di sản thế giới

Lễ công bố kết quả được tổ chức hoành tráng tại Estadio da Luz (sân vận động ánh sáng) ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, lúc quá nửa đêm thứ sáu tuần rồi. Theo ban tổ chức, buổi lễ được trực tiếp truyền hình ở 170 nước, thu hút khoảng 1,6 tỉ khán giả.

Nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, được vinh dự xướng tên 7 kỳ quan thế giới mới (xếp theo bảng chữ cái Anh):

. Thành cổ Chichen-itza, của người Maya, Mexico.

. Tượng Chúa cứu thế, thành phố Rio De Janeiro, Brazil.

. Vạn lý trường thành, Trung Quốc.

. Phế tích Machu Picchu, Peru.

. Thành cổ Petra, Jordan

. Đại hý trường Colosseum, thành phố Rome, Ý.

. Lăng Taj Mahal, Ấn Độ.

Tranh cãi

Diễn viên điện ảnh người Anh Ben Kinsley - nổi tiếng khắp năm châu với vai Thánh Gandhi trong bộ phim cùng tên - chủ trì buổi lễ cùng với ngôi sao điện ảnh Holywood Hillary Swank. Ông mô tả 7 kỳ quan thế giới mới là “7 biểu tượng của tình đoàn kết phản ánh và tôn vinh sự đa dạng văn hóa của thế giới”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với tuyên bố của ông Kingsley. Tình huống này phát khởi từ tư cách pháp nhân và phương thức bầu chọn. Chiến dịch toàn cầu mang tên Dự án New7wonders (7 kỳ quan thế giới mới) do New Open World Corporation (NOWC), một công ty tư nhân có trụ sở ở Thụy Sĩ, tổ chức. Đây là sáng kiến của Bernard Weber, một doanh nhân ở Quebec (Canada), chủ tịch NOWC.

Điều thắc mắc đầu tiên là tại sao một chiến dịch có quy mô lớn như vậy lại không có sự tham gia của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Vậy thì giá trị thật sự của nó nằm ở chỗ nào?

Cái cách bầu chọn qua Internet, điện thoại và tin nhắn điện thoại di động cũng bị nghi ngờ về tính khách quan và khoa học. Thông điệp của NOWC là “hãy bỏ phiếu sớm và thường xuyên”. Đây là điều chưa từng thấy trong các cuộc bỏ phiếu điện tử khác. Lạ nhất là trong điều lệ của nhà tổ chức có câu: “NOWC dành toàn quyền theo ý mình loại bỏ bất kỳ lá phiếu nào”. Và công ty cũng không hề cung cấp thông tin nào về số phiếu mình đã loại. Với phương thức bỏ phiếu này, có thể thấy rõ chỉ có những người có điều kiện lên mạng hoặc có điện thoại di động mới có thể bỏ phiếu. Hơn nữa, một người có thể bầu chọn bao nhiêu lần cũng được vì không có công cụ kiểm soát nào cả. NOWC cũng thừa nhận là không thể kiểm soát được.

Bởi vậy mới có hiện tượng các tổ chức lữ hành và chính phủ có những kỳ quan ít tiếng tăm so với những công trình lừng lẫy hiện đại như tháp Eiffel của Pháp hoặc cổ đại như kim tự tháp Ai Cập vận động bằng nhiều cách có thật nhiều người tham gia càng tốt.

Chẳng hạn như nước Jordan chưa đến 7 triệu dân nhưng có đến 14 triệu phiếu bầu thành cổ Petra. Hoặc như Brazil tổ chức chiến dịch Vote no Cristo (Bầu phiếu cho Chúa) được các công ty tư nhân hỗ trợ (các nhà cung cấp mạng điện thoại di động miễn phí tin nhắn bầu phiếu cho tượng Chúa cứu thế). Một số nhà tài trợ như ngân hàng Banco Bradesco bỏ ra hàng triệu USD để ủng hộ chiến dịch.

Chưa công bằng

Hậu quả của cách bầu chọn kể trên là những nước tuy có kỳ quan nổi tiếng không cần quảng cáo ai cũng biết nhưng có quá ít dân cho nên không thể nào dành thắng lợi. Đơn cử Campuchia với kỳ quan Angkor Wat hay Chile với kỳ quan tượng Moai trên đảo Phục Sinh. Trong khi đó, chính phủ một số nước có những công trình kiến trúc lừng danh thế giới như Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới với kỳ quan Vạn lý trường thành, thì chẳng thèm quan tâm bởi cho rằng cuộc bầu chọn nói trên chẳng có nghĩa lý gì.

Tại Ai Cập, Bộ trưởng Văn hóa Farouq Hosni gọi cuộc bầu chọn này là “ngớ ngẩn” và mô tả Weber - nhà sáng lập NOWC - chỉ có mục đích duy nhất là “tự quảng cáo”. Nagib Amin, chuyên gia về di sản thế giới, nhận định: “Ngoài mục đích thương mại, cuộc bầu chọn không có cơ sở khoa học nào cả”. Thậm chí, một nhật báo hàng đầu của Ai Cập đăng bài xã luận tố cáo Weber âm mưu chống lại “nền văn mình và di tích cổ Ai Cập”. Phản ứng mạnh mẽ của Ai Cập khiến NOWC phải rút Kim tự tháp Giza – kỳ quan duy nhất trong 7 kỳ quan cũ còn tồn tại đến ngày nay – ra khỏi danh sách bình chọn và gọi là ứng viên danh dự.

Tòa thánh Vatican cũng phản ứng gay gắt. Theo báo điện tử Đức Spiegel, một thông báo của tòa thánh tố cáo NOWC “có xu hướng chống Công giáo”. Nhưng mạnh mẽ nhất đồng thời cũng được xem là bất ngờ nhất là phản ứng của UNESCO.

Trên website chính thức của UNESCO, cơ quan này đưa ra thông cáo: “Không thể so sánh giữa chiến dịch truyền thông hóa của ông Weber với công trình mang tính khoa học và giáo dục thể hiện trong bản danh sách di sản thế giới của UNESCO. Danh sách 7 kỳ quan thế giới mới chỉ sẽ là kết quả của một công cuộc kinh doanh tư nhân, chỉ phản ánh ý kiến của những người tiếp cận được Internet chứ không phải của toàn thế giới”.

Christian Manhart, quan chức UNESCO phụ trách báo chí, tuyên bố: “Tất cả những kỳ quan này đều xứng đáng nhưng điều làm chúng tôi lo âu là tại sao phải giới hạn ở con số 7? Hồi thời cổ đại (danh sách 7 kỳ quan cũ được lập vào năm 484 trước Công nguyên) thế giới quá nhỏ so với bây giờ”.

Hành trình một ý tưởng

Người nảy sinh ý tưởng bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới là Bernard Weber, 52 tuổi, một doanh nhân Thụy Sĩ sinh ra ở Canada. Ông kể lại: “Một hôm, vợ tôi - giáo viên - báo cho tôi biết nàng đang thực hiện một dự án về 7 kỳ quan thế giới cũ với học sinh. Tôi liền nghĩ: Tại sao không có 7 kỳ quan mới? Kỳ quan thế giới là một ý tưởng của người Hy Lạp cổ đại. Tôi muốn làm sống lại ý tưởng đó. Cũng giống như đại hội thể thao Olympic ngày nay bắt nguồn từ Olympic cổ xưa. Tôi muốn lập một danh sách kỳ quan thế giới mới. Danh sách này mang tính dân chủ và chính thức bởi nó là tiếng nói của công chúng”.

“Những kỳ quan cũ nổi tiếng thuộc về người xưa, đời xưa. Tất cả đều không còn nữa ngoại trừ những kim tự tháp. Suốt 2.000 năm qua chưa có sự đồng thuận nào của công chúng về những thành quả của nhân loại. Thiên niên kỷ mới đã bắt đầu. Đây là một thời điểm sâu sắc của lịch sử để chúng ta xác định 7 kỳ quan thế giới mới. Internet có lẽ là phương tiện dân chủ duy nhất để cung cấp thông tin cho toàn thế giới ai cũng có thể truy cập tự do nếu biết sử dụng máy vi tính và điện thoại di động. Đó là lý do chúng tôi đề xuất với nhân dân toàn thế giới tham gia vào cuộc bầu chọn này”.

Weber phác thảo dự án vào năm 1999. Năm 2001, Công ty New Open World Corporation (NOWC) do ông sáng lập khai trương website www.new7wonders.com trên mạng Internet. Theo điều lệ, kỳ quan phải do con người tạo nên, hoàn thành trước năm 2000 và được bảo tồn ở mức độ “chấp nhận được”.

Ngày 24- 11-2005, qua email, điện thoại bàn và tin nhắn điện thoại di động, 177 kỳ quan đã được đề cử. Ngày 1-1-2007, NOWC gút lại danh sách chỉ còn 21 kỳ quan rồi 20 - trừ Kim tự tháp ra – sau khi bị Ai Cập phản ứng. Bản danh sách sau đó tiếp tục được công dân khắp thế giới gạn lọc, còn lại 10, bao gồm 7 kỳ quan mới đã bầu và tháp Eiffel (Pháp), đảo Phục Sinh (Chile) và pháo đài Acropolis (Hy Lạp).

Cuộc bầu chọn kết thúc lúc nửa đêm ngày 6-7-2007.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo