xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một gia đình có hai bộ trưởng

Theo Thể Thao

Truyền thống nước ta xưa nay, con cái nối được chí cha mẹ, làm rạng danh dòng tộc, xóm làng, mang lại tiếng thơm cho dòng họ không phải là chuyện hiếm.

Nhưng ngay trong một gia đình, cha và con tiếp nối nhau cùng làm bộ trưởng một bộ được đánh giá là “siêu bộ” như Văn phòng Chính phủ thì quả là chuyện hiếm hoi. Đó là gia đình Nhà giáo Nhân dân - giáo sư Đoàn Trọng Truyến, nguyên Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ những năm 1984 1987, và con trai trưởng là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đương nhiệm, ông Đoàn Mạnh Giao.

1. Giáo sư Đoàn Trọng Truyến sinh năm 1922 tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế trong một gia đình nho học. Thân sinh ông là một tú tài kép uyên thâm, đức độ nổi tiếng khắp vùng. Mẹ ông đảm đang, sắc sảo không chỉ trong việc nhà mà còn trong việc làng, việc họ. Hết bậc tú tài, ông Truyến thi đỗ vào Cao đẳng Canh - Nông và phải ra Hà Nội theo học suốt gần 4 năm ở đó.

Khi còn học Quốc học Huế, ông Truyến đi làm gia sư cho một gia đình vốn có quen biết từ trước. Ông dạy một học sinh nữ là Kim Sa, học sinh Trường Đồng Khánh. Và rồi ông có cảm tình đặc biệt với cô học trò xinh đẹp này. Mối tình đầu của họ như động lực thúc đẩy ông học tốt hơn ở Trường Canh - Nông. Tốt nghiệp Cao đẳng Canh - Nông năm 1943, hai người tổ chức đám cưới. Năm sau họ sinh con đầu lòng đặt tên là Đoàn Mạnh Giao (vì sinh ở bến Nam Giao). Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà thơ Tố Hữu ở Xứ ủy Trung kỳ đến thăm và mời ông tham gia Ủy ban Hành chính Kháng chiến Trung Bộ. Từ đó, ông chính thức đi theo con đường cách mạng, được bổ nhiệm làm Ủy trưởng Kinh tế Ủy ban Hành chính Trung Bộ.

2. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông Truyến đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc và đảm đương nhiều cương vị khác nhau như Phó Đổng lý sự vụ Văn phòng Bộ Kinh tế, rồi Đổng lý Văn phòng Bộ Kinh tế, sau là Bộ Công thương. Bảy người con của ông lần lượt ra đời, mang tên những địa danh ông bà đã sống, đã trải qua trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước. Họ lớn lên trong sự giáo dục của Đảng, của xã hội và trong nề nếp, kỷ cương của gia đình ông bà. Các con trai lần lượt đi bộ đội, hai con gái út người làm bác sĩ, người làm giảng viên đại học. Nhắc lại chuyện vui về con trưởng Đoàn Mạnh Giao, mới lên 7 tuổi đã đi học Thiếu sinh quân ở Nam Ninh (Trung Quốc) do em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ông Võ Thuần Nho - làm quản lý, ông Truyến bật cười: Lúc ấy Giao còn nhỏ, khi đi học Thiếu sinh quân chỉ nhớ tên bố chứ không nhớ tên mẹ, vì thường ngày ở nhà chỉ gọi "mẹ" chứ chẳng mấy khi gọi tên cả. Vì thế, trong học bạ (ở Nam Ninh), Giao chỉ ghi tên bố là Đoàn Trọng Truyến, tên mẹ ghi “không nhớ...”.

Thừa hưởng ở cha mẹ, dòng họ nếp nhà gia phong, sự nghiêm khắc, kỷ cương trong gia đình nên dù đông con, khó khăn như lúc ở chiến khu, ông Truyến vẫn động viên vợ con tích cực tăng gia thêm để cải thiện đời sống, không được ỷ lại bao cấp của Nhà nước. Ông dạy các con tấm lòng thơm thảo, hiếu học, tận tụy, không ngại gian khổ. Ông nhớ lại thời còn ở Việt Bắc, tuy khổ nhưng ai cũng hăng say công việc: “Ở chiến khu tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Nhớ những lần Bác Hồ đến thăm gia đình các cán bộ đóng gần khu làm việc của Trung ương, bao giờ Bác cũng thăm hỏi việc ăn ở của các gia đình, rồi nhắc nhở mọi người từ những việc nhỏ nhất trở đi. Mấy đứa nhà tôi từng được Bác bế khi đến thăm nhà, có khi Bác cọ râu làm chúng cười nắc nẻ".

3. Sau Hiệp định Genève 1954, ông Truyến tham gia thành lập Trường Đại học Nhân dân, Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Hiệu trưởng danh dự. Sau đó ông làm tổng Thư ký, kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường. Rồi ông trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội bây giờ. Ông về Viện Kinh tế Trung ương, tiếp đến làm Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước. Khi ông Truyến được cử làm Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng thì con trai trưởng, ông Đoàn Mạnh Giao, đang là cán bộ Văn phòng Chính phủ. “Mình thường bồi dưỡng mỗi đứa theo năng lực và môi trường công việc đang làm. Nhưng với Giao thì mình không nghĩ bồi dưỡng để làm... bộ trưởng" , ông Truyến tâm sự.

Rồi ông sôi nổi hẳn lên khi tôi nhắc chuyện “giá - lương - tiền” thời bao cấp. “Đây là một cú đánh mạnh vào cơ chế bao cấp. Nó làm thay đổi hẳn những tư duy bao cấp nặng nề từ nhiều nhà lãnh đạo cao cấp đến dân thường. Chuyện cải cách “giá - lương - tiền" đã tạo nên những luồng dư luận hết sức "ồn ào” trong nhân dân thời bấy giờ, trở thành "chuyện thời sự" vì nó gắn chặt với mỗi người dân trong cuộc vật lộn mưu sinh đầy cam go. Thế là một cuộc đấu tranh gay gắt nổ ra trong cán bộ cũng như nhân dân. Ban cải cách bảo vệ quan điểm, lập trường của mình, nhưng rồi họ phải kiểm điểm về sự nóng vội. Tôi thay mặt Ban Cải cách kiểm điểm trước Quốc hội, vì mình vừa là một trong những người chủ chốt của Ban Cải cách vừa là Chủ nhiệm của Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội" , ông Truyến hồi tưởng. Giọng ông trầm xuống như sự việc mới xảy ra hôm qua còn nóng hổi. Sau này người ta đánh giá cuộc cải cách này là bước ngoặt quan trọng, chuyển dần từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường hàng hóa. Lịch sử đã nhìn nhận, đánh giá những đóng góp đó một cách công bằng.

4. Năm 1999, ông Đoàn Mạnh Giao được bổ nhiệm làm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, còn giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Đoàn Trọng Truyến đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt huyết tham gia các công tác khác như cố vấn về cải cách hành chính Nhà nước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Quốc gia biện soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông Truyến tâm sự: "Tôi làm không phải để cho vui mà với tất cả sự hiểu biết, đam mê và tinh thần trách nhiệm để cống hiến hết mình cho đất nước". Từ ngày nhận trọng trách mới, ông Đoàn Mạnh Giao ít có thời gian đến thăm bố mẹ như ngày trước. Giáo sư Đoàn Trọng Truyến vẫn thường xuyên quan tâm đến tình hình đất nước, qua đó cũng biết thêm công việc thường ngày của con trai mình như thế nào.

Khi tôi hỏi: “Trong nhà có hai bộ trưởng, bác cảm thấy thế nào?". Giáo sư Đoàn Trọng Truyến nhìn mọi người cười vui: “Ngày xưa trong nhà có hai thượng thư thì ghê thật, nhưng ngày nay thì cũng bình thường thôi!”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo